Trường Sa: Chất thép, tình yêu nối đảo liền đất Mẹ

Có đến Trường Sa, người ta mới thấu hiểu phần nào những khó khăn, gian khổ, mất mát mà người lính nơi biển đảo Tổ quốc phải vượt qua.
Có đến Trường Sa, chúng tôi mới thấu phần nào những khó khăn, gian khổ mà những người lính nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc vẫn ngày ngày phải đối mặt. Bất cứ câu chuyện nào về họ cũng xứng đáng là một bản hùng ca  của tấm lòng kiên trung, tinh thần yêu nước và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì đất nước của người lính thời bình. Bá "đen"- 10 năm tình... đảo Đến đảo Nam Yết, hỏi tên Bá “đen” không ai là không biết. Thượng úy Đào Quang Bá sinh năm 1975, gia nhập hải quân năm 1996 nhưng đã có hơn 10 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa, là một trong những người có thâm niên ở đảo lâu nhất. Trong tâm trí của chiến sỹ hải quân Đào Quang Bá, ký ức về những ngày đầu tiên ra với đảo như vừa mới đây. Năm 1997, sau khi học xong tại Sài Gòn, anh chính thức theo tàu ra Nam Yết đóng quân. Đó là thời điểm Nam Yết còn hoang sơ trong những ngày đầu của công cuộc dựng đảo, giữ chủ quyền. Đảo mênh mông cát, gió Tây Nam hun hút từ biển táp thẳng vào mặt người. Cây xanh, rau xanh và nước ngọt đều là mơ ước cháy bỏng trong lòng những trai trẻ mới đôi mươi như Bá. Và chẳng phải đợi lâu, chỉ 1 năm sau khi về với Nam Yết, người hạ sỹ quan quê gió Lào cát trắng lần đầu tiên biết đến cảm giác khát cháy cổ của lính đảo chờ mưa. Mùa hè năm 1998, hiện tượng El Nino trên diện rộng khiến cho nhiều tháng ròng trên đảo chẳng hề có lấy một hạt mưa. “Đảo Nam Yết lại không có hệ thống giếng nước ngọt nên toàn bộ sinh hoạt thời điểm ấy phải phụ thuộc vào tàu cấp nước. Giữa mùa hè nóng như đổ lửa, gió biển như “rang” mà 12 ngày anh em mới được tắm một lần, còn rau xanh thì trở thành một thứ "sơn hào mỹ vị" đầy xa xỉ chỉ có ở trong giấc mơ.


Chăm chút rau trên Trường Sa (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Hồi đó mới ra đảo, chưa quen, chưa bao giờ nghĩ điều kiện trên đảo lại khắc nghiệt đến thế,” anh Bá tâm sự. Nhưng cũng trong hoàn cảnh ấy, những người lính lại càng xích lại gần nhau, gắn bó với nhau hơn. Tết xa nhà đầu tiên là đáng nhớ nhất. Năm đó mới chỉ 21 tuổi. Đêm giao thừa, các anh em ngồi cùng tập trung lại trong căn lều mới dựng phía nam đảo, không sóng điện thoại, không tivi, trông ra chỉ thấy biển trời tối thẫm không một chấm sáng, nhưng người lính trẻ quặn thắt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, nhớ người thân. Họ như chìm vào sự yên lặng của những cái nhớ chồng lên nỗi nhớ ấy của mỗi người... Chính trong khoảnh khắc ấy, giọng hát ai đó cất lên một tiếng ca về mùa xuân, căn lều tuềnh toàng gió bỗng như dưng lại và rồi tất cả đều bật òa khóc, như những đứa trẻ thơ...Và rồi, họ cùng hát, hát cho vơi đi nỗi nhớ, hát át tiếng sóng, gió đêm giao mùa gầm gào những bài ca về mẹ, về đất nước, về tình yêu, tình đồng đội cho họ thêm bao sức mạnh để vượt qua những gian khổ cả về tinh thần lẫn vật chất, thiên tai, môi trường khốc liệt... Đó cũng là những tháng ngày, những chàng trai ngoài 20 tuổi cùng gồng mình, dâng hiến tuổi thanh xuân lấy sức người cải tạo đảo thành quê hương thứ hai của mình. Cùng với những tốp công binh từ đất liền vào đảo dựng nhà, xây công trình phòng thủ quân sự, những người lính trẻ không ngơi nghỉ tinh thần cảnh giác,  từng giây, từng phút dõi mắt ra biển với ý chí bảo vệ bằng được lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc. Thấm thoát đã hơn 10 năm, người hạ sỹ quan ngày nào giờ đã đặt chân lên gần hết các đảo của Trường Sa. Những Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Len Đao… từ lâu đã trở thành những mốc giới đỏ trong ký ức của anh. 10 năm, thì có tới 7 cái Tết đón cùng đảo, và cứ mỗi mùa Xuân đó, chính là những khoảng khắc kết dính người lính với từng tấc đất trên đảo. Vẫn gần bên anh, vì Trường Sa luôn bên em... Nhưng, chẳng khổ bằng người ở nhà đâu em ạ, Bá "đen" tâm sự," hướng cặp mắt về phía đất liền, anh bảo, với người lính đảo, chỗ dựa quan trọng nhất giúp các anh vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, vượt qua mọi gian khó , hiểm nguy chính là mái ấm gia đình nhỏ bé ở quê nhà. Mở điện thoại khoe với chúng tôi những bức hình chụp 2 cô con gái mà vợ vừa gửi ra từ đất liền, người đàn ông nhỏ thó, đen nhẻm - cái đen được ướp từ hơi biển, nắng biển, gió biển khiến trông anh như càng sắt lại, kể cho tôi nghe về câu chuyện tình đẹp như thơ của mình. Anh kể, tốt nghiệp là lên tàu ra đảo, chưa kịp làm quen bóng dáng người con gái nào. Nhờ sự giới thiệu của một người bạn cùng đơn vị, anh chị biết nhau, yêu nhau qua từng cánh thư giữa hải đảo và đất liền. Đến khi xin cưới, người lính chân chất cũng chỉ hỏi chị một câu ngắn gọn: “Nếu em có trái tim thép thì hãy lấy anh.” “Thế mà lại nên duyên và gắn bó với nhau đến tận lúc này,” người lính cười hiền lành bảo. Ngồi trên chiếc giường cá nhân đơn sơ tại đơn vị, anh xòe ngón tay như trẻ con nhẩm đếm thời gian rồi cười rất hồn nhiên: “Đến nay tôi đã ra Trường Sa đã được 124 tháng, hầu như bám trụ ở đây. Còn thời gian ở nhà với vợ, tính cưới thì từ năm 2007 là 6 năm, nhưng cộng dồn từng ngày lại chưa đầy nổi 12 tháng...” Quả thực, cũng phải có trái tim kiên trung như thép, những hậu phương lớn ở đất liền mới đủ sức mạnh để vượt qua nỗi nhớ, vượt qua muôn vàn khó khăn để ủng hộ và tiếp thêm niềm tin cho tiền tuyến. Cưới vợ được 2 tháng, người lính trẻ lại nhận nhiệm vụ ra đảo Len Đao và chỉ về nhà khi con gái đã tròn 7 tháng. Về phép, con gái không chịu nhận bố, phải mất 10 ngày dỗ dành, anh mới có thể bế con, con chưa kịp quen hơi, bố lại trở ra với đảo. Và nay, cô con gái thứ 2 cũng đã tròn 6 tháng, anh cũng chưa một lần được  ôm con  trong tay, hôn lên má con... chỉ biết mặt con qua những bức ảnh vợ gửi. Mỗi khi nghĩ đến điều này, sống mũi anh Bá vẫn còn cay cay. Giống như anh Bá, đâu đâu trên quần đảo Trường Sa và cả trong đất liền cũng có những trái tim bằng thép ở 2 đầu nỗi nhớ. Đó là chuyện của người lính trẻ Nguyễn Văn Hà, phụ trách máy tại Công ty hải sản Trường Sa, sẵn sàng ra biển khi vợ mới đẻ được một ngày. Đó còn là nỗi nhớ thương đau đáu của người chiến sỹ trên nhà dàn DK1 Phúc Tần khi hay tin con gái mắc bệnh nặng ở quê nhà. Nhưng, chừng ấy khó khăn, chừng ấy xa cách chẳng thể khiến hàng trăm chiến sỹ trên các đảo, các nhà giàn khắp biển Đông sờn lòng. Nói như Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó chính ủy Hải quân vùng 4, họ là những thành đồng phía phên dậu của Tổ quốc, chắn sóng, chắn gió cho cả 54 dân tộc trong đất liền./. Bài 3: Các cột mốc chủ quyền Việt nhuộm mồ hôi và máu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục