Trường phái 'ngoại giao cây tre' Việt Nam phù hợp với mọi thời đại

Chia sẻ về chủ trương xây dựng trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn TW Đảng NDCM Lào nhận định trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam phù hợp mọi thời đại.
Trường phái 'ngoại giao cây tre' Việt Nam phù hợp với mọi thời đại ảnh 1Ông Khamvisan Keosouphan. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam phù hợp với mọi thời đại - đó là nhận định của phóng viên cao cấp Khamvisan Keosouphan - nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào khi chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Vientiane về chủ trương xây dựng trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra cuối năm 2021.

Là một người làm báo lâu năm và thường xuyên theo dõi về Việt Nam, ông Khamvisan đã rất ấn tượng khi đọc được bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Theo ông, trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ bản chất và đường lối của ngoại giao Việt Nam, đó là một nền ngoại giao được đúc kết trong suốt quá trình hàng nghìn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, dựa trên nguyên tắc bất biến và tư tưởng xuyên suốt là “độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia.”

Một nền ngoại giao luôn luôn trọng lẽ phải công lý và chính nghĩa, luôn “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạo!"; dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất.

[Nhà báo Indonesia đề cao chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam]

Nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng NDCM Lào đặc biệt ấn tượng với những nhận định và phân tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sự kế thừa từ triết lý và truyền thống ngoại giao của các thế hệ đi trước, được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiếp thu, đúc kết và phát triển lên tầm cao mới.

Dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Khamvisan cho biết đó là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập dòng chảy của thời đại... 

Theo ông Khamvisan, từ tư tưởng trên, một trường phái ngoại giao đặc sắc và độc đáo đã ra đời trong thời đại Hồ Chí Minh - trường phái "ngoại giao cây tre" mang đậm bản sắc Việt Nam, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển,” mà theo ông đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích rất rõ.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; Linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến,” “lạt mềm buộc chặt.”

Ông Khamvisan nhận định dựa trên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kết hợp với truyền thống văn hóa đặc sắc và chính sách ngoại giao hòa bình của dân tộc, trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam sẽ không chỉ phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, mà còn phù hợp với mọi thời đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục