Trường học “lắm chiêu” để lan tỏa tình yêu sách đến học sinh

Để thu hút học sinh đọc sách, các nhà trường đã triển khai nhiều phương thức như khuyến khích học sinh kịch hóa các tác phẩm văn học, các câu chuyện lịch sử hay tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách.
Trường học “lắm chiêu” để lan tỏa tình yêu sách đến học sinh ảnh 1Học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Vĩnh Quỳnh biểu diễn kịch về chị Võ Thị Sáu để giới thiệu sách "Võ Thị Sáu-con người và huyền thoại". (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn kịch, thi vẽ tranh, biểu diễn thời trang, tổ chức giới thiệu sách, quyên góp sách, tổ chức hội chợ sách…là hàng loạt những “chiêu thức” nhằm thu hút học sinh quan tâm hơn và yêu thích đọc sách đang được các trường học triển khai. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm Hướng tới Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Linh hoạt, đa dạng phương thức

Sáng nay, 13/4, mặc dù trời mưa nhưng lãnh đạo và nhân viên thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn quy tụ về Trường Trung học cơ sở Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để dự chương trình Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện Thanh Trì và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì phối hợp tổ chức.

Theo ông Phạm Văn Ngát, hoạt động nhằm lan tỏa những cách làm, phương thức khuyến khích học sinh đọc sách đến các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn khi Trường Trung học cơ sở Vĩnh Quỳnh là một trong những trường đã triển khai rất tốt nội dung này.

Thầy Lê Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay đọc sách có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh mở rộng kiến thức, nâng cao tinh thần tự học, đặc biệt trong bối cảnh các em dễ bị thu hút bởi rất nhiều điều hấp dẫn khác trên không gian mạng, các trò chơi điện tử. Vì vậy, nhà trường đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thu hút học sinh đến với sách, với thư viện trường.

Cụ thể như học sinh được thi vẽ tranh theo các chủ đề, các em cũng được khuyến khích chuyển thể các nội dung sách thành các vở kịch hay tìm hiểu các bài hát liên quan đến các tác phẩm văn học, tổ chức các cuộc thi giữa các lớp, thi đố vui cho học sinh toàn trường. Để thu hút học sinh với sách, trường đã tổ chức không gian thư viện xanh, sạch, thân thiện và mở mô hình thư viện điện tử.

Để góp phần phong phú hơn nguồn tư liệu cho học sinh, sáng nay, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cũng đã trao tặng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Quỳnh 250 đầu sách mới.

Khích lệ học sinh đọc sách là chủ đề trọng điểm của nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội triển khai trong tháng Tư này với nhiều hoạt động đa dạng nhằm hướng đến Ngày sách Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/4, tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Thực nghiệm Khoa học Giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tổ chức ngày hội sách cho học sinh toàn trường. Theo đó, gần 2.000 cuốn sách cũ đã được học sinh mang đến trường để tham gia trao đổi sách.

Trường học “lắm chiêu” để lan tỏa tình yêu sách đến học sinh ảnh 2Các em học sinh hào hứng trong hoạt động đố vui về sách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường cũng triển khai nhiều hoạt động như cuộc thi vẽ tranh với chủ đề bước ra từ trang sách, cuộc thi clip giới thiệu sách. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh khi nhà trường nhận về tới hơn 900 tác phẩm, trong đó có 130 tranh vẽ. Ở các lớp học, giáo viên khuyến khích học sinh kịch hóa các tác phẩm văn học.

Khơi gợi và duy trì tình yêu sách

Lãnh đạo các trường cho hay để học sinh chăm đọc sách không chỉ bằng những lời kêu gọi mà phải bằng nhiều cách thức linh hoạt, đa dạng nhằm tạo động lực thúc đẩy các em tự tìm đến với sách, đọc sách một cách chủ động để có thể nắm bắt nội dung đồng thời chuyển tải kiến thức đọc được trong sách theo nhiều dạng thức. Khi đó, học sinh sẽ thấy hứng thú hơn, các em cũng sẽ hiểu và ghi nhớ tốt hơn. Từ những hoạt động này sẽ khơi gợi niềm yêu thích và giúp học sinh duy trì thói quen đọc sách.

[Ngày Sách và Văn hóa đọc: Thư viện Quốc gia giới thiệu 1.000 cuốn sách]

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc rèn thói quen đọc sách cho học sinh, bà Trần Lệ Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay có nhiều con đường để đi đến thành công nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tự học, trong đó đọc sách có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh cần phải rèn thói quen đọc sách.

Lấy ví dụ về việc một học sinh Nhật Bản trung bình đọc 40 cuốn sách mỗi năm, bà Hoa cho rằng để rèn thói quen đọc sách, các em học sinh cần phải tính cụ thể số sách sẽ đọc trong mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, giữa rất nhiều các loại sách trên thị trường, các em cũng cần phải biết chọn sách để đọc.

“Trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi hệ thống sách nói đang rất phát triển và phong phú, học sinh không chỉ đọc sách mà còn có thể nghe sách trên các nền tảng này. Chăm đọc sách và nghe sách để tự bồi đắp tri thức, đó là những điều tôi muốn nhắn nhủ đến các em học sinh,” bà Trần Lệ Hoa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục