'Trường dạy chữ cái, chợ là nơi dạy tôi nói những tiếng Lào đầu tiên'

"Một trong những môn học mà chúng tôi cảm thấy vừa khó khăn lại vừa thú vị nhất, đó là môn chữ Lào cổ. khi học môn này, chúng tôi thường phải đi vào chùa để nhờ nhà sư ở đó giải nghĩa..."
Nguyên Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng và các thầy cô giáo Trường Đại học Quốc gia Lào chụp ảnh lưu niệm với các cựu sinh viên của Trường nhân dịp các cựu lưu học sinh chúc mừng 20 năm Ngày nhà giáo Lào (7/10/1985-7/10/2015). (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Gần hai thập kỷ trôi qua nhưng những câu chuyện về thời gian sinh sống, học tập trên đất bạn Lào chưa bao giờ nhạt phai trong ký ức nhà báo Dư Văn Phiên (Báo Ảnh Thông tấn xã Việt Nam), một cựu du học sinh tại Lào.

Tháng 10/2001, anh Dư Văn Phiên cùng hơn 20 sinh viên Việt Nam lên đường sang học tập tại Đại học Quốc gia Lào theo Hiệp định hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Từ những bỡ ngỡ, thậm chí là cảm giác thất vọng ban đầu khi du học ở một đất nước còn nhiều khó khăn, những du học sinh Việt Nam đã có những trải nghiệm thú vị khi thực sự hòa mình vào cuộc sống nơi này.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Dư Văn Phiên về những kỷ niệm trong thời gian học tập tại Lào.

Trở lại Vientiane trong một dịp theo đoàn sang công tác ở nước bạn Lào, tôi ghé vào thăm lại ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài tại làng DongDok, nơi tôi đã từng lưu trú trong thời gian theo học tại trường Đại học Quốc gia Lào. Dừng chân trước cổng ký túc xá, bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên chợt ùa về. ​Mới đó mà đã gần 20 năm…

“Du học mà thế này ư!”

Vào một buổi sáng mùa Thu, lớp chúng tôi gồm 23 anh chị em đến từ mọi miền trên tổ quốc lên đường sang Lào học tập theo hiệp định hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước Việt Nam-Lào. Vừa bước chân ra khỏi cửa máy bay, ấn tượng đầu tiên về đất nước bạn là khí hậu nắng và nóng, thật đúng với câu nói mà khi ở Việt Nam chúng tôi thường được nghe “Nóng như gió Lào.”

Ra đón chúng tôi có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam và trưởng đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Lào.

[Phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào chất lượng, hiệu quả, thiết thực]

Trên đường về ký túc xá, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy phương tiện giao thông ở Lào chủ yếu là xe tuk tuk (một loại xe 3 bánh) và xe bus, thật hiếm khi bắt gặp người dân Lào đi xe máy và xe đạp. Ý thức tham gia giao thông của người dân nơi đây cũng rất tốt, không hề thấy họ vượt đèn đỏ và bấm còi ầm ĩ.

Khu ký túc xá hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là những dãy nhà hai tầng mái lợp bằng tôn cũ kỹ nằm lọt thỏm ở trong một khu rừng, không ai nói với ai câu gì nhưng tôi đọc thấy trong ánh mắt của họ sự thất vọng xen lẫn... hoang mang, có lẽ trong suy nghĩ của mỗi người, cảnh tượng đi du học nước ngoài phải khác chứ không phải như vậy!

Anh trưởng đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Lào nói với chúng tôi rằng, nước bạn Lào vẫn còn nghèo lắm, điều kiện chỗ ăn ở dành cho giáo viên và học sinh nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một trong các khu ký túc xá của sinh viên Lào và lưu học sinh nước ngoài đang theo học tại trường Đại học Quốc gia Lào, trong đó có sinh viên Việt Nam. Sang năm sau, chúng tôi sẽ được chuyển ra ở trong khu ký túc xá dành riêng cho sinh viên nước ngoài đang được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào.

Cuộc sống sinh viên của chúng tôi bắt đầu bằng việc tham gia vào lớp học dự bị tiếng. Thầy cô dạy chúng tôi chủ yếu được đào tạo ở Việt Nam. Bởi thế, việc trao đổi giữa thầy và trò cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Nơi thú vị nhất và là nơi chúng tôi thích đến nhất trong những ngày đầu học tiếng Lào đó là các ngôi chợ.

Anh Dư Văn Phiên - cựu du học sinh Việt Nam tại Lào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ở đó chúng tôi thoải mái trao đổi với người bán hàng bằng rất nhiều thứ tiếng, từ tiếng Việt, tiếng Anh cho đến các ký hiệu của tay, chân và biểu cảm của khuôn mặt. Trường là nơi dạy chúng tôi viết những chữ cái tiếng Lào đầu tiên, nhưng chợ mới là nơi dạy chúng tôi nói những tiếng Lào đầu tiên.

Cuộc gặp bất ngờ

Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với chúng tôi là lễ hội đua thuyền (hay còn gọi là lễ Okphansa - lễ mãn chay) diễn ra vào khoảng tháng 10 Dương lịch hàng năm. Trước ngày lễ, người dân đến các ngôi chùa trong thành phố để làm lễ “Tắc bạt” (lễ khấn phật, xá tội). Đêm trước của ngày hội đua thuyền, họ tập trung ở bờ sông Me Kong để thả thuyền đèn xuống dòng sông, cầu mong hạnh phúc và những điều tốt đẹp.

Lễ hội đua thuyền được xem như là mốc khởi đầu cho những sinh hoạt văn hóa của người dân Lào trong suốt một năm. Bởi vậy, nó có ý nghĩa đặc biệt đối với những người con sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu Voi.

Cùng hòa vào dòng người tham gia lễ thả thuyền đèn, chúng tôi ai cũng tỏ ra rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được tham gia lễ hội ở nước bạn Lào. Kết thúc lễ thả đèn thuyền cũng vừa lúc đồng hổ điểm 22 giờ. Chúng tôi cùng nhau ra bắt xe để về ký túc xá cách đấy hơn 10km.

Sau gần một giờ đồng hồ đứng bắt xe mà vẫn không được, người dân tham gia lễ hội cũng về nhà gần hết, mọi người ai cũng tỏ ra mệt mỏi và nôn nóng. Bỗng nhiên có một anh người Lào tiến lại phía chúng tôi và hỏi thăm bằng tiếng Việt. Sau khi hiểu rõ sự tình, anh ta nói rằng ở Lào sau 19 giờ, tất cả các phương tiện công cộng như xe bus, xe tuk tuk đều ngừng hoạt động.

Người đàn ông ấy có nhã ý muốn mời chúng tôi về nhà nghỉ ngơi, sáng hôm sau bắt xe về ký túc. Trên đường đi, anh kể rằng anh tên là Nguyễn Santipap (​Hòa Bình). Bố anh nguyên là bộ đội tình nguyện Việt Nam (quê ở Thái Bình) sang giúp nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng, bố anh cùng với nhiều đồng đội đã ở lại để giúp đỡ nhân dân Lào ổn định cuộc sống sau chiến tranh. Năm 1977, bố anh lấy một cô dân quân người Lào quê ở tỉnh Phongsaly (tỉnh cực Bắc của Lào, giáp với tỉnh Điện Biên của Việt Nam) và sinh ra anh, đặt tên anh là Nguyễn Santipap với mong muốn đất nước luôn luôn hòa bình.

["Homestay" cho học sinh Lào: Dạy tiếng Việt gắn với sự ấm áp gia đình]

Ở Lào, đạo Phật được coi là Quốc đạo. Hầu như tháng nào cũng có lễ hội. Trong đó, lễ hội Thạt Luổng là lễ hội tôn giáo lớn nhất, đậm nét văn hóa Lào nhất và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân các bộ tộc Lào trên cả nước cũng như khách quốc tế.

Thạt Luổng tiếng Lào có nghĩa là Tháp lớn. Đây được coi là biểu tượng của đất nước Lào, là ngôi chùa đẹp nhất của nước Triệu Voi hiền hòa mến khách. Lễ hội Thạt Luổng diễn ra vào những ngày cận rằm tháng 12 theo Phật lịch, kéo dài một tuần và kết thúc vào đúng ngày rằm của tháng. Một trong các hoạt động chính của lễ hội Thạt Luổng là lễ rước tháp từ chùa Xỉ Mường tới Thạt Luổng.

Lưu học sinh Việt Nam tại Lào giao lưu bóng đá chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sáng ngày 15/12 theo Phật lịch là ngày người dân đến dâng lễ cho các nhà sư, tiếng Lào gọi là Tắc bạt. Hàng nghìn nhà sư từ khắp cả nước sẽ đổ về Thạt Luổng, kê bàn ngồi dọc hai bên đường để Phật tử thập phương về dâng lễ gồm tiền, bánh kẹo, xôi…

Đêm cuối của lễ hội sẽ diễn ra lễ rước nến, hàng nghìn Phật tử cầm trên tay ngọn nến đã được thắp sáng, đi vòng quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Thạt Luổng. Đến với lễ hội Thạt luổng, điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là hàng hóa của Việt Nam cũng được bày bán rất nhiều ở đây, chủ cửa hàng là người Việt Nam định cư ở Lào.

Trở lại Thạt Luổng để tham gia lễ rước nến vào buổi tối, chúng tôi rất bất ngờ khi người gác cổng Thạt Luổng không cho vào. Ông giải thích rằng, khi tham gia lễ rước nến, đàn ông phải mặc quần vải màu đen và phụ nữ phải mặc váy, chân đi giày hoặc dép quai hậu, không được đi dép lê để tỏ lòng thành kính đức Phật. Chúng tôi nhìn lại trang phục của mình thì hầu hết là đi dép lê và mặc quần bò, thế là chúng tôi đành ngậm ngùi quay ra.

Các lưu học sinh đề án 165 khóa 4 tại Khu ký túc xá sinh viên quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Lào năm 2013. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Tết Lào diễn ra từ ngày 14-16/4 hàng năm. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.

Tết Lào, nhà trường cho giáo viên và học sinh nghỉ học một tuần. Sinh viên Việt Nam nhiều người tranh thủ thời gian này để về Việt Nam thăm gia đình, các anh chị lớp trên nói rằng tết Lào “buồn lắm.” Trước hôm nghỉ, nhà trường tổ chức đón tết Lào sớm cho giáo viên và sinh viên Lào cùng sinh viên các nước đang theo học tại đây. Đối với lớp chuẩn bị tiếng chúng tôi, đây là năm đầu tiên được đón tết Lào, nên ai cũng tỏ ra rất háo hức.

Sau các nghi lễ trang trọng là đến phần té nước, người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe, ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Buổi lễ diễn ra đến tận chiều tối, chúng tôi chở về ký túc trong tình trạng mệt mỏi, người ướt từ đầu đến chân. Hôm sau nhiều người trong chúng tôi bị ốm do không quen với việc “té nước” trong thời tiết nóng bức (tháng 4 là thời điểm nóng nhất ở Lào).

Đi ra đường, cả khu ký túc xá vắng tanh, sinh viên Lào và sinh viên Campuchia đã về quê ăn tết hết, chỉ còn lại một số sinh viên Việt Nam và sinh viên Trung Quốc. Ngoài chợ, người dân cũng nghỉ chơi tết, các hàng quán cũng đóng cửa, muốn mua đồ ăn thì phải bắt xe lên tận chợ Khủa Đin (tiếng Việt gọi là cầu đất) là chợ của người Việt ở thủ đô Vientiane, cách ký túc xá hơn 10km.

Lưu học sinh Việt Nam tại Lào (khóa 2001-2007). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những tưởng tết Lào với chúng tôi sẽ qua đi một cách buồn tẻ giống như lời các anh khóa trên nói thì trong ngày nghỉ tết cuối cùng, sinh viên Lào và sinh viên các nước trở lại trường, khắp khu ký túc xá bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên, sinh viên Lào, sinh viên nước ngoài cùng người dân quanh đó bê xô chậu ra hai bên đường, găp ai họ cũng tươi cười chúc mừng và không quên tặng cho người đó một gáo nước lấy may. Đối với chúng tôi, tết Lào bấy giờ mới thực sự bắt đầu.

Trở lại trường sau kỳ nghỉ Hè, khác với năm chuẩn bị tiếng là chỉ có sinh viên nước ngoài học với nhau thì năm này chúng tôi phải chia ra 2-3 người học một lớp cùng với sinh viên Lào. Buổi đầu bỡ ngỡ bước vào lớp, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người mặc áo nhà sư, đầu cạo trọc ngồi học cùng chúng tôi. Sau khi tìm hiểu chúng tôi mới biết rằng theo phong tục tập quán của Lào, nhà nào có tang thì con trai, cháu trai từ 7 tuổi trở lên sẽ cạo đầu đi tu từ 5-7 ngày hoặc một tháng.

Một trong những môn học mà chúng tôi cảm thấy vừa khó khăn lại vừa thú vị nhất, đó là môn Ắc Sỏn Thăm (Chữ Lào cổ). Chữ Lào cổ khác hoàn toàn so với thứ tiếng Lào mà chúng tôi đang theo học. Chữ Lào cổ thường được viết trên lá cây, vỏ cây và được lưu giữ ở các ngôi chùa, khi đi tu các tăng ni sẽ được giảng dạy rất kỹ về môn học này. Vì vậy, khi học môn này, chúng tôi thường phải đi vào chùa để nhờ nhà sư ở đó giải nghĩa cho những câu mà mình không hiểu.

Năm cuối, chúng tôi phải viết luận văn tốt nghiệp, mỗi nhóm 4-5 người sẽ có hai thầy cô hướng dẫn. Ngoài thời gian đi thu thập tài liệu để viết luận văn, phần lớn thời gian là chúng tôi được ăn, ở tại nhà thầy cô hướng dẫn mình viết luận văn. Ngày bảo vệ luận văn, chúng tôi rất bất ngờ và cảm động khi có rất nhiều bạn sinh viên Lào và sinh viên các nước đến chúc mừng. Họ tặng chúng tôi những bó hoa và cả những món đồ kỷ niệm. Sau lễ tốt nghiệp, nhiều người trong khóa chúng tôi trở về làm việc ở Việt Nam, nhưng cũng có một số người chọn ở lại, làm việc bên Lào, trong đó có tôi.

Một lưu học sinh Việt Nam đang dự một cuộc giao lưu hùng biện tiếng Lào và tiếng Việt tại Trường Đại học Quốc gia Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

“Mình đi thôi anh!” Tiếng cậu lái xe làm tôi giật mình trở lại với thực tại. Nước Lào cũng ngày một đổi thay, điều kiện ăn ở của sinh viên Lào và sinh viên nước ngoài hiện nay cũng tốt hơn thời của chúng tôi rất nhiều.

Hàng năm, ngoài số lưu học sinh sang Lào học theo học bổng của Bộ giáo dục và Đào tạo hai nước, thì cũng có rất nhiều lưu học sinh Việt Nam sang Lào học theo diện tự túc. Lên xe rời ký túc xá, tôi thầm nhủ rằng nhất định sẽ quay trở lại thăm nơi này, nơi mà tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ giàu nhiệt huyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục