Trưởng ban Kinh tế TW làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Tăng trưởng dư nợ bình quân của VDB giai đoạn 2011-2013 đạt 10%/năm, 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng chậm so với các năm trước.
Trưởng ban Kinh tế TW làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam ảnh 1Nhà máy giấy Xương Giang thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Giang, chuyên sản xuất giấy các loại, công suất 15.000 tấn/năm, được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)-Chi nhánh Bắc Giang. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chiều 8/7, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) về đánh giá tình hình cơ cấu lại Ngân hàng giai đoạn 2011-2013 và cập nhật tình hình thực hiện đến ngày 30/6/2013.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng trực thuộc Chính phủ, được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tăng trưởng dư nợ bình quân của Ngân hàng giai đoạn 2011-2013 đạt 10%/năm, sáu tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng có phần chậm so với các năm trước do bối cảnh chung của nền kinh tế.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam tập trung đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, hỗ trợ địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn và tín dụng xuất khẩu. Trên 70% vốn vay được hỗ trợ cho địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, thủy điện, khai thác khoáng sản…

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình triển khai, kết quả đạt được trong việc thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam qua các năm; nêu những hạn chế và khó khăn vướng mắc về việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm nay, nhất là về tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tái cơ cấu đầu tư...

Các đại biểu đánh giá việc triển khai thực hiện định hướng và giải pháp cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về đối tượng phục vụ, chỉ tiêu an toàn tài chính, công tác quản trị ngân hàng, nguồn nhân lực, công nghệ, mạng lưới, đầu tư; tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng giai đoạn 1; đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân chưa làm được về xử lý nợ xấu thời gian qua.

Các đại biểu trao đổi về những vấn đề nổi lên trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chủ trương, chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng phòng ngừa rủi ro, tiếp tục củng cố và phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Qua đó giúp Ngân hàng Phát triển Việt Nam làm tốt hơn nhiệm vụ là ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục