Ngày 29/5, Đoàn Công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Tỉnh Tây Ninh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Có 15/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, biên giới có vị trí, vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình mở cửa đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh biên giới. Trong bối cảnh biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định và phát triển sẽ thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, sẽ hình thành các điểm tập trung dân cư mới.
Cơ sở đó sẽ hỗ trợ đời sống dân cư khu vực biên giới được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ an ninh, xã hội và an toàn vùng biên. Vùng biên giới Tây Ninh hiện có 08 dự án nông nghiệp với tổng diện tích 3.667 ha, tập trung vào trồng mía, cao su, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản; thương mại - dịch vụ phát triển khá với 37 doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 269,16 tỷ đồng; tình hình xây dựng nông thôn mới, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đều có phát triển ổn định, cơ bản đạt kết quả.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã biểu dương những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong thời gian qua khi đã có thành quả nhất định trong tình hình bối cảnh chung đang rất khó khăn. Trao đổi về tình hình phát triển tuyến biên giới đất liền, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh là một vấn đề quan trọng.
Vì vậy, thực hiện chương trình công tác năm 2015, để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới trên đất liền, với 435 xã, ở 103 huyện, thuộc 25 tỉnh trong cả nước, Ban Kinh tế Trung ương đã có khảo sát một số địa phương, trong đó tỉnh Tây Ninh - một tỉnh có các cửa khẩu quan trọng của nước ta.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, đồng thời đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như: Quy hoạch; chính sách thương mại biên giới, kể cả chính sách của phía bạn; kết cấu hạ tầng; sắp xếp bố trí dân cư; thị trường lao động - hàng hóa; kinh tế quốc phòng;…
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khảo sát tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Tây Ninh./.
Quý 1 năm 2015, kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 9,4% so với cùng kỳ. Nông lâm thủy sản; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ đạt tỷ trọng khá cao. Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cũng tăng so cùng kỳ. Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế của tỉnh tăng khá.
Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh sau suy giảm, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao; nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Xuất khẩu tăng nhanh hằng năm, sản phẩm đa dạng, giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.
Thu hút đầu tư ngoài nước tiếp tục khởi sắc, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi; tập trung nguồn lực đầu tư kiến thiết thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh trước thời hạn hai năm. Các mặt văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ.
An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên; một số vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm, giải quyết cơ bản.
Tỉnh Tây Ninh có tuyến biên giới gồm 20 xã dài khoảng 240 km, có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và 14 cửa khẩu phụ. Dân cư thuộc các xã biên giới đa số sống bằng nghề nông, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Đa số có thu nhập thấp do hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị lạc hậu…