Những ngày này, người Italy hay nói về quá khứ. Một loạt các ngôi sao lớn trong các chiến thắng của Thiên Thanh trước Đức được phỏng vấn để nói về cảm xúc của họ.
Marco Tardelli, người đã ghi một trong ba bàn thắng vào lưới đội tuyển Đức ở trận chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 1982 tổ chức ở Tây Ban Nha và màn ăn mừng của ông sau pha lập công trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, động viên tinh thần của các chàng trai Italy.
"Các cậu rất tuyệt. Hãy làm tất cả để chiến thắng," ông nói. Massimo Oddo, nhà vô địch thế giới năm 2006 trên đất Đức thì bảo rằng, anh nhìn thấy chất 2006 đang tồn tại trong đội hình của huấn luyện viên (HLV) Antonio Conte.
Trên tờ Gazzetta dello Sport, huấn luyện viên huyền thoại Arrigo Sacchi ca ngợi Conte là một siêu sao trên ghế huấn luyện.
Giuseppe Cederna, diễn viên nổi tiếng trong phim “Địa Trung Hải” thì kể những kỷ niệm của ông về trận Italy 4-3 Đức ở Mexico 1970. “Cả một thế hệ chúng tôi đã lớn lên cùng chiến thắng ấy và trận đấu này là nền tảng của tinh thần Italy trước người Đức,” ông nói.
“Địa Trung Hải” chính là bộ phim kể về trận đấu bất hủ ấy. Một cảnh trong phim: nhóm thanh niên tóc dài hippy ngồi trên đivăng, mắt dán vào tivi. Trên bức tường sau lưng họ là ảnh Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông.
Điều gì đã khiến người Italy cứ nhắc mãi về quá khứ và đưa các ngôi sao lớn ra để động viên các cầu thủ trước trận đấu lớn này, trước một đối thủ bây giờ đang là nhà vô địch thế giới và không còn là đội bóng dễ bị Italy đánh bại như nhiều năm trước đây nữa?
Người Italy lo sợ và phải lên dây cót tinh thần ư, nhất là khi hàng tiền vệ của họ đã tan nát vì các chấn thương và treo giò? Bạn có thể lý giải điều này theo nhiều cách khác nhau, nhưng người Italy biết người Đức có gì.
Một con số: Đức đã dứt điểm 78 lần trong 4 trận đấu, nhiều hơn bất cứ đội nào khác. Các học trò của Loew cũng là những chuyên gia cầm bóng và áp đặt lối chơi khiến đối phương nghẹt thở, khi tìm cách đưa bóng về khu cấm địa đối phương bằng nhiều hướng, nhiều cách chuyền bóng khác nhau.
Hồi tháng 3 vừa rồi, Italy của Conte đã nhận một bài học nặng nề khi thua đến 1-4, với các tuyến của Italy vỡ vụn trước việc Đức đá áp sát theo kiểu một kèm một và vượt trội về kĩ thuật. Nhưng đấy chỉ là một trận giao hữu.
EURO đương nhiên khác, và cỗ máy Đức đã từng chứng kiến những trận đấu không đơn giản. Ukraine đã khiến họ điêu đứng trước các đợt phản công. Ba Lan đã khiến họ bất lực trước đội hình được tổ chức quá tốt.
Italy cũng là một hình mẫu về tổ chức như thế, một dạng boongke chống bom nguyên tử. Nhưng cái boongke ấy sẽ phải chống chọi với những người Đức theo một thế trận đã được dự báo trước: khi tấn công, Đức dường như chơi với sơ đồ 2-4-4, với việc cầm bóng và chuyền ban tốt như Tây Ban Nha (điều này phải chăng là do Pep Guardiola đem đến nước Đức?), nhưng với nhịp độ cao hơn và tích cực sút xa nhiều hơn.
Những thống kê cho thấy Oezil cực kỳ hiệu quả khi chơi cao hơn trong hàng tiền vệ (các hậu vệ Italy - những người thường xuyên chuyền ban cho nhau và cho Buffon hãy coi chừng, vì người Đức rất giỏi trong việc áp sát tức khắc và tranh cướp quyết liệt), trong khi Boateng, ngoài những đường chuyền dài như kiểu Bonucci, cũng thường xuyên dâng cao để sút xa.
Một cảnh báo cho thấy hàng thủ Italy có nguy cơ bị tràn ngập bởi số lượng Đức rất đông. Một khi Italy bị thủng lưới trước, đấy là lúc thế chủ động chơi của họ bị phá vỡ.
Kể từ đầu giải đến giờ, ngoại trừ trận đấu không có nhiều ý nghĩa với Ireland, chưa khi nào họ bị dẫn trước. Hàng thủ của Italy, những người Juve, cũng đã quá hiểu sức tấn công kinh khủng của Đức thế nào, qua hình dáng của Bayern ở Champions League mùa bóng vừa kết thúc.
Không có De Rossi hay Candreva không đồng nghĩa với thảm họa. Conte vẫn còn những con bài khác nữa ở hàng tiền vệ như Sturaro hoặc Florenzi đá lùi phía trong, và đương nhiên anh hiểu rằng, người Đức sẽ tìm cách nghiền nát hệ thống Italy không hẳn là ở hàng tiền vệ, mà là ở hàng thủ, khi tạo áp lực để nó phạm sai lầm (loại bỏ vai trò truyền thống của phòng thủ) và khiến cho nó không thể đóng vai trò kiến tạo như Conte đã thực hiện, khi hàng tiền vệ mất hết các cầu thủ có khả năng này.
Chỉ có thể đánh bại người Đức bằng cách khiến cho họ mất cân bằng khi thường xuyên gây sức ép lên Kroos và Oezil và sử dụng phản công theo kiểu đánh du kích để tập hậu hàng thủ của Loew. Đấy không hề là một điều đơn giản, nhưng Ba Lan đã làm được.
Và hơn nữa, bất chấp những gì chúng ta đã thấy, bất chấp cả việc Italy bây giờ khá thiếu các phương án tấn công do sự hạn chế về nhân sự và kĩ, chiến thuật, đội bóng của Conte vẫn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ khó lường, một khi họ không được đánh giá cao hơn đối phương.
Người Italy chờ đợi điều gì ở trận đấu này? Báo Italy viết rằng Conte đã cho đội tập kỹ penalty. Đấy cũng là một giải pháp được tính đến, nhưng cũng không loại trừ khả năng Italy sẽ đánh phủ đầu Đức như đã đá với Tây Ban Nha.
Và nữa, người Italy không thiếu lý do để đánh bại Đức. Một người bạn của tôi ở Rome gửi một tin nhắn và viết rằng, Italy nợ tiền vay của Đức rất nhiều và rất ghét Đức, ghét Thủ tướng Đức Angela Merkel vì Berlin muốn áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" với Italy như với Hy Lạp.
“Chúng tớ nghèo hơn, ít tài năng hơn, nhưng chúng tới chẳng sợ họ. Chúng tớ là người Italy.”
Vậy còn những thông điệp trên báo chí, bằng cách liên tục nhắc đến quá khứ? Bạn tôi trả lời: “Báo chí viết thế cho vui thôi. Chúng tớ đâu có sống bằng quá khứ, nhưng chúng tớ có những trái tim quả cảm.”
Đất nước của sự lãng mạn và những câu chuyện tình dang dở cần những trái tim như thế./.