Trước thềm năm học, tiêu chuẩn sữa học đường quốc gia vẫn... bặt tăm

Nhiều doanh nghiệp sữa cho rằng, đến nay, sau hơn 3 năm chờ đợi, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường quốc gia, gây nên nhiều khó khăn cho các bên liên quan.
Lứa tuổi mầm non cũng là lứa tuổi vàng để bổ sung vi chất dinh dưỡng.(Ảnh: CTV)

Ngày 8/7/2016 Chính phủ đã ban hành quyết định 1340/QĐ - TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Chương trình này có mục tiêu: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai."

11 tỉnh/thành triển khai thành công chương trình

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt hầu hết không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và chất khoáng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất. Vì vậy, các nhà sản xuất sữa nên quan tâm bổ sung thêm nhiều vi chất quan trọng vào sản phẩm sữa để góp phần cải thiện thể trạng người Việt.

[Hà Nội: Hơn 1 triệu trẻ em tham gia chương trình Sữa học đường]

Đến tháng 6/2019, đã có 11 tỉnh/thành trên cả nước triển khai thành công Chương trình Sữa học đường. Trong đó, Thủ đô Hà Nội triển khai với quy mô rất lớn, giúp cho hàng triệu trẻ em được thụ hưởng tính nhân văn của chương trình mỗi ngày.

Cụ thể, trong năm học 2018-2019 đã có hơn 1 triệu trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia Chương trình Sữa học đường, đạt tỷ lệ 87%.

Nhiều doanh nghiệp sữa cho rằng, đến nay, sau hơn 3 năm chờ đợi, Bộ Y tế vẫn chưa có, chưa ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn Sữa học đường quốc gia. Việc này tạo ra những khó khăn nhất định cho các bên thêm gia vào chương trình vì chưa có 1 tiêu chuẩn chung để thực hiện, trong khi năm học mới đã đến rất gần, chỉ còn gần 1 tháng nữa.

Trong Quyết định 1340/QĐ-TTg có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế: “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.”

Căn cứ theo quy định tại Quyết định 1340, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo nội dung Quyết định này, Bộ Y tế giao “Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.”

Trẻ em uống sữa học đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xin ý kiến rồi... “đắp chiếu”?

Ngày 6/7/2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm. Trong báo cáo kỹ thuật đính kèm Công văn số 351, Viện Dinh dưỡng đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào Sữa học đường.

Tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đăng tải công khai trên website của Cục về Dự thảo của Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Ngày 26/11/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định 7091/QĐ-BYT về Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 1340/QĐ-TTg. Trong đó, giao cho Cục An toàn Thực phẩm chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường…

Ngày 20/12/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục có Công văn số 6173/ATTP-KN về việc lấy ý kiến về các sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường.

Cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin tức về sữa học đường, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn triển khai chương trình và chưa có các quy định chính thức về tiêu chuẩn sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 1340.

Ngày 13/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT 2019 quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Đến ngày18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Sau khi có kết luận của Thứ trưởng về cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra Dự thảo 9.7 của Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Ngày 10/7/2019, Bộ Y tế gửi Công văn hỏa tốc gửi Dự thảo 9/7 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7/2019, đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9.7 này được ký ban hành.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được công văn hỏa tốc của Bộ Y tế, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn số 64 gửi ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Trung chia sẻ, theo yêu cầu của Vụ sức khoẻ bà mẹ - trẻ em tại công văn số 3963/BYT-BMTE ngày 10/7/2019 về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (gửi đến các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội để đề nghị cho ý kiến đóng góp trước ngày 12/7/2019), hầu hết các đơn vị thành viên Hiệp hội sữa được xin ý kiến đã đóng góp đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên, đến nay, thời gian lấy ý kiến cuối cùng về Dự thảo Thông tư đã kết thúc nhưng cơ quan biên soạn vẫn chưa chính thức ký ban hành. Trong khi năm học mới 2019-2020 sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các gói thầu. 

Ông Trung nhấn mạnh, vì vậy, Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để ban hành chính thức “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” trong thời gian sớm nhất để giúp các địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Chương trình sữa học đường./.

Ngày 28/04/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030.

Đề án nhằm thực hiện Chương trình chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan (Chương trình 2 của Đề án); một trong các nội dung chủ yếu cần thực hiện đó là: Xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục