Một chiếc máy bay vừa gặp nạn tại Hàn Quốc, khiến hầu hết hành khách trên chuyến bay thiệt mạng. Thảm họa đã gây bất ngờ cho ngành hàng không tại quốc gia được biết đến như một trong những nơi an toàn nhất cho việc đi lại bằng máy bay.
Trong bài viết mới đây để đánh giá về ngành hàng không Hàn Quốc, đăng tải vào ngày 30/12/2024, trang tin Business Insider cho biết chuyến bay mang số hiệu 7C2216 do hãng hàng không giá rẻ Jeju Air vận hành đã gặp nạn trong quá trình hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Muan. Vụ tai nạn của chiếc Boeing 787-800 đã 15 năm tuổi xảy ra vào lúc 9h sáng 29/12 (giờ địa phương). Trong tổng số 181 người trên máy bay, chỉ có hai người sống sót và họ đều là thành viên phi hành đoàn.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất cho việc di chuyển bằng máy bay, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
“25 năm trước, Hàn Quốc là ‘kẻ ngoài cuộc’ trong ngành hàng không” - ông Geoffrey Thomas, biên tập viên của Airline News và chuyên gia hàng không, cho biết. Ông nói rằng tiêu chuẩn an toàn của Hàn Quốc đã “cải thiện rất nhiều” kể từ đó.
Thảm họa xảy ra hôm 29/12 đánh dấu vụ tai nạn chết người đầu tiên của Jeju Air, hãng hàng không thành lập vào năm 2005 và được trang web xếp hạng hàng không AirlineRatings.com xếp vào danh sách những hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới trong năm 2024.
Jeju Air được thành lập sau hàng loạt thảm họa hàng không khiến Hàn Quốc phải cải thiện văn hóa an toàn trong ngành này.
Những vụ tai nạn thảm khốc
Trước năm 2000, Korean Air và Asiana Airlines là hai hãng hàng không chính hoạt động tại Hàn Quốc. Vào giữa tháng 12/2024, Korean Air đã hoàn tất thương vụ mua lại Asiana Airlines với giá 1,3 tỷ USD, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho ngành hàng không của quốc gia này.
Korean Air - hãng hàng không quốc gia và là hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc - đã gặp phải nhiều vấn đề về an toàn trong nửa sau của thế kỷ 20.
Theo dữ liệu từ Mạng An toàn Hàng không (Aviation Safety Network), Korean Air đã gặp bảy vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hành khách và hàng hóa trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 1999, trong đó, lỗi của phi công được cho là yếu tố “đóng góp" dẫn đến tai nạn.
Vào năm 1997, chuyến bay 801 của Korean Air đã gặp nạn khi hạ cánh xuống Guam do nhiều yếu tố, trong đó có sai sót của phi công. Khoảng 75 hành khách và phi hành đoàn, cùng bốn người trên mặt đất, đã thiệt mạng khi chuyến bay 803 của Korean Air gặp nạn trong nỗ lực hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Tripoli (Libya) vào năm 1989.
Một báo cáo của Associated Press công bố năm 1990 cho biết Tòa án Hình sự Seoul đã kết án hai năm tù đối với phi công - người viện lý do tầm nhìn kém - vì đã gây ra vụ tai nạn này.
Một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1997, khi chuyến bay 801 của Korean Air từ Seoul đến Guam gặp nạn khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế A.B. Won Guam, khiến hơn 200 hành khách thiệt mạng.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đã công bố báo cáo về chuyến bay này, chỉ ra nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do “thiếu sót trong việc hướng dẫn và thực hiện quy trình hạ cánh” của cơ trưởng. Báo cáo cũng cho hay “phụ lái” và kỹ sư bay đã “không theo dõi và không thách thức” các quyết định của cơ trưởng.
Hai vụ tai nạn nghiêm trọng của các chuyến bay hàng hóa Korean Air vào năm 1999 cũng chỉ ra vấn đề nghiêm trọng về an toàn, bao gồm việc thiếu giao tiếp và hợp tác giữa các thành viên phi hành đoàn.
Asiana Airlines được thành lập gần 20 năm sau Korean Air. Hãng này chỉ gặp một vụ tai nạn nghiêm trọng trước năm 2000, khi một chiếc Boeing 737 gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay Mokpo của Hàn Quốc vào năm 1993. Reuters đưa tin cuộc điều tra xác định nguyên nhân của vụ tai nạn là do sai sót của phi công, khiến hơn 60 người thiệt mạng.
Chuỗi các vụ tai nạn đã khiến Korean Air trở thành "kẻ ngoài cuộc" trong ngành hàng không. Vào năm 1999, Delta và Air France đã đình chỉ quan hệ hợp tác chia sẻ mã chuyến bay với Korean Air, tạm thời cắt đứt liên minh với hãng hàng không này.
Cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm nhân viên của mình bay trên các chuyến bay của Korean Air.
Vào năm 2001, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã hạ thấp đánh giá an toàn của Hàn Quốc, cho rằng quốc gia này không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Động thái của FAA đánh dấu một thời kỳ thấp điểm đối với ngành hàng không của quốc gia châu Á.
Từ “kém tin cậy” đến “tiêu chuẩn vàng”
Vào cuối thập niên 1990, Hàn Quốc đã bắt đầu nỗ lực cải thiện danh tiếng về an toàn hàng không của mình. Quốc gia này đã thuê một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu của Delta để giúp cải cách các quy trình đào tạo và tuyển dụng.
Các cuộc điều tra về nhiều vụ tai nạn của Korean Air phát hiện ra rằng những vấn đề “văn hóa trong buồng lái” - trong đó các phi công phụ và kỹ sư bay không giao tiếp hiệu quả với cơ trưởng hoặc ngần ngại thách thức các quyết định của cơ trưởng - là một phần nguyên nhân gây ra các tai nạn chết người.
Theo một báo cáo của Wall Street Journal năm 2006, hãng hàng không này đã củng cố công tác đào tạo bằng cách tăng cường trách nhiệm chung giữa các phi công và giảm việc tuyển dụng các cựu binh Không quân Hàn Quốc - những người “gặp khó khăn trong việc hợp tác” với những người họ cho là cấp dưới.
“Những thay đổi về văn hóa” đã mang lại kết quả tích cực trong những năm sau đó.
Vào năm 2002, Delta và Air France đã nối lại quan hệ hợp tác với Korean Air. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với nhân viên bay trên các chuyến bay của hãng này.
Đến năm 2008, Korean Air đã “thể hiện” tốt hơn các hãng hàng không Mỹ trong cuộc kiểm tra an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Ngày nay, Korean Air được coi là một trong những hãng hàng không an toàn nhất thế giới và là thành viên của Liên minh hàng không quốc tế SkyTeam - một liên minh đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn cao và nghiêm ngặt để gia nhập.
“Hẳn là họ đã dọn dẹp (cải tổ) rất nhiều” - biên tập viên Thomas của Airline News nhận xét.
Thomas cũng cho biết Jeju Air có "một hồ sơ xuất sắc" kể từ khi thành lập, và Boeing 737-800 là "chú ngựa thồ của thế giới." “Đó là chiếc máy bay đáng tin cậy nhất hiện nay, ai cũng biết cách nó hoạt động” - ông nói.
Bàn về vụ tai nạn vào 29/12 vừa qua, ông Thomas cho rằng các phi công có thể đã bị “choáng ngợp” khi phải đối mặt với "một thảm họa."
"Tôi nghĩ vấn đề là nhiều cú va chạm với chim và hàng loạt sự cố phát sinh sau đó. Tôi đoán rằng đến cuối tuần này, chúng ta sẽ có thông tin quan trọng về những gì đã xảy ra - loạt sự cố và cuộc trao đổi trong buồng lái về những gì đã diễn ra” - ông nói. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng một số thông tin có thể sẽ không được công khai ngay lập tức.
“Là một quốc gia có trách nhiệm, bất kỳ bài học an toàn nào từ vụ việc này sẽ được công bố ngay lập tức để thông tin có thể được truyền tải đến các hãng hàng không khác đang điều hành những máy bay cùng loại” - ông Thomas nói.
“Dù thông tin không nhất thiết phải được công khai, nhưng nó sẽ được truyền tải đến các hãng hàng không để cảnh báo họ về một sự cố cụ thể và yêu cầu họ kiểm tra máy bay của mình.”./.
Điểm lại các vụ tai nạn máy bay thảm khốc trước thảm họa kinh hoàng ở Muan
Nhìn lại những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong lịch sử thế giới, trước thảm họa xảy ra tại Sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) ngày 29/12/2024.