Trước khi SVB phá sản, FDIC đã cảnh báo về tiền gửi không bảo hiểm

Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tháng 11/2022 họ đã cảnh báo về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền với các ngân hàng khác khi biết phần lớn lượng tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm.
Người dân xếp hàng bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank tại Santa Clara, California, Mỹ, ngày 13/3/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo những ghi chép từ một cuộc họp cố vấn mà hãng tin Reuters có được, 4 tháng trước vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), các quan chức quản lý ngân hàng của Mỹ đã lo ngại về những nguy cơ mà các ngân hàng khu vực lớn gây ra cho sự ổn định tài chính.

Tháng 11 năm ngoái, phát biểu với Ủy ban cố vấn giải pháp hệ thống (SRAC), các quan chức của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết, phần lớn lượng tiền gửi tại các ngân hàng khu vực là tiền gửi không được bảo hiểm, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền với các ngân hàng khác.

[Hướng đi nào cho đầu tư mạo hiểm thời kỳ hậu Silicon Valley Bank]

Tại cuộc họp này, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho hay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà quản lý đã rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho các ngân hàng lớn nhất, những ngân hàng được xem là có tầm quan trọng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cho biết giới chức quản lý vẫn chưa làm điều tương tự với các ngân hàng khu vực, trong khi một số ngân hàng trong nhóm này đã phát triển đáng kể về cả quy mô và tính phức tạp trong hoạt động.

Ông Gruenberg nhận thấy việc một trong những thể chế ngân hàng lớn này phá sản có thể thực sự là một thách thức với sự ổn định tài chính.

Như vậy, tại cuộc họp này, các quan chức của FDIC đã nắm rõ những thách thức mà họ có thể đối mặt trong việc xử lý việc phá sản của các ngân hàng khu vực, nhưng nhiều vấn đề chủ chốt vẫn chưa được giải quyết trước khi SVB phá sản vào tháng Ba.

Hiện, FDIC chưa có bình luận gì về nội dung cuộc họp nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục