Dù giờ đây tuổi đã cao (89 tuổi) nhưng ký ức từng trận đánh và những kỷ niệm về một thời “khói lửa” tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vẫn còn in đậm trong trái tim tràn đầy nhiệt huyết của người lính cụ Hồ - Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304.
Đặc biệt, khí thế hào hùng cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 lịch sử, đã sống lại qua câu chuyện của ông…
Trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Ân chia sẻ: "Trước khi bắt đầu diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản đã hoàn thành; các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
Ngày 23/4/1975, sau khi nhận mệnh lệnh đánh căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), Tổng kho Long Bình từ Quân đoàn, trên đường về điểm tập kết, tôi cứ băn khoăn không biết địa điểm đó nằm ở đâu, trong khi không có người dẫn đường và lại là chiến dịch lớn - trận đánh mở màn mà đơn vị phải nổ súng trước khi diễn ra chiến dịch toàn mặt trận.
Nhưng rất may, khi về đến điểm tập kết và vừa họp xong Đảng ủy Sư đoàn thì trinh sát báo vừa bắt được một tù binh ở căn cứ Xuân Lộc - cửa ngõ Sài Gòn, tôi mừng lắm. Ngay lúc đó, tôi xuống gặp và sau gần nửa tiếng đồng hồ thuyết phục, tên tù binh mới chịu đồng ý dẫn đường.”
Nhớ lại thời điểm đó, Trung tướng Nguyễn Ân kể tiếp: Đến 20 giờ ngày 25/4, ông đã trực tiếp cùng một số đồng chí đi trinh sát và bàn kế hoạch tác chiến ngay tại thực địa.
“Ngày 26/4, tôi bắt đầu đưa quân vào thực địa triển khai chiếm lĩnh trận địa. Đến 17 giờ ngày 26/4, chúng tôi tiếp cận được căn cứ của địch và dùng pháo tấn công vào căn cứ Nước Trong, Tổng kho Long Bình. Chiến sự diễn ra ác liệt, quân ta quyết tâm đánh chiếm các mục tiêu, địch cũng tập trung lực lượng phản kích để giành lại.
Ðây thật sự là trận đọ sức khốc liệt, tuy nhiên trong vòng một giờ đồng hồ, quân ta đã đánh bại địch. Nhưng ngay sau đó, địch đã điều thêm hai thiết đoàn (318 và 322) của Quân đoàn 3 vào phản kích lại.
Bước sang ngày 28/4, cuộc chiến đấu vào khu vực Nước Trong diễn ra không thuận lợi: thời tiết nắng nóng, thiếu nước uống nghiêm trọng; trên trời, dưới đất kẻ địch chống trả, ngăn chặn, giằng co quyết liệt, khiến cho đơn vị không dứt điểm được mục tiêu. Đến ngày 29/4, chúng tôi mới làm chủ toàn bộ khu vực Nước Trong và ngã ba đường số 15,” ông Ân hồi tưởng lại.
Sau khi đánh căn cứ Nước Trong, chúng tôi và các lực lượng khác lập tức đánh thốc vào các mục tiêu đã định trong nội thành Sài Gòn. “Khi đó, Quân đoàn đang tiến vào Thủ Đức đã nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mệnh lệnh: Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa, nhanh chóng tiến vào chiếm lĩnh Sài Gòn, giải phóng đất nước. Tuy nhiên, khi tiến đến Thủ Đức, chúng tôi mắc phải địch và chúng phản kháng rất mạnh. Mặc dù vậy, chúng tôi nhất quyết cho xe tăng và xe cơ giới vượt qua vào thẳng Sài Gòn.
Vào tới Sài Gòn nhân dân kéo ra hai bên đường chật ních, chỉ đủ cho xe đi; trên những gác nhà, dân cũng ùa ra; quốc kỳ và cờ giải phóng tung bay phấp phới, tôi thấy thật sung sướng, phấn khởi. Bấy giờ, tôi nhớ lại lệnh mà Bộ Tư lệnh chiến dịch đã giao cho Sư đoàn là phải nổ sung trước khi toàn chiến dịch nổ súng 3 ngày để kéo địch ra khỏi công sự,” ông tâm sự.
Trung tướng Nguyễn Ân cho biết: Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của Việt Nam đã thọc sâu hùng mạnh, tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược của địch, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Khi vào tới Dinh Độc Lập, chúng tôi đã đi kiểm tra các phòng và anh Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 tếu táo nói vui: “Này, tớ ngồi ghế Tổng thống, cậu ngồi ghế Phó Tổng thống,” ông cười hóm hỉnh kể lại.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những đau thương, mất mát, khó khăn, gian khổ và cả niềm vui chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn đọng lại trong ký ức của ông, là niềm tự hào của vị tướng nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Hiện ông đang sống vui khỏe cùng gia đình ở Hà Nội và luôn ghi nhớ công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.