Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ đặc biệt là Samsung. Bắt đầu từ năm 2008 với nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, đến nay, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.
Samsung đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam
Số liệu tài chính Quý III/2022 của Samsung Electronics vừa công bố cho thấy, riêng 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam trong 9 tháng 2022 đã đem về tổng doanh thu khoảng 56,6 tỷ USD và lợi nhuận gần 4 tỷ USD (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước).
Theo Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, nếu như đến cuối năm 2021 lũy kế số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đạt 18,2 tỉ USD thì đến cuối năm 2022 con số này dự kiến sẽ vượt 20 tỉ USD.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 8/2022, ông Roh Tae Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, đã chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong năm 2022, sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc vào đầu tháng 12/2022, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics Han Jong-hee cũng đã một lần nữa nhấn mạnh kế hoạch đầu tư mở rộng tại Việt Nam.
[Thủ tướng: Samsung cần coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược]
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh Samsung có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nâng vốn lên 20 tỉ USD và mong muốn tập đoàn tiếp tục đầu tư các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông minh, đưa Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất" đi đầu, đi trước và đón bắt được thời cơ về công nghệ mới.
Hiện tại, Samsung đã thực sự biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất" của mình khi hơn 50% thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 65,5 tỉ USD.
Thế nhưng, theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, việc hoàn thành Trung tâm R&D mới đây đã thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam trong tương lai gần sẽ trở thành "cứ điểm chiến lược về R&D" của Samsung trên toàn cầu.
Việt Nam - "Thủ phủ" R&D trong tương lai của Samsung
Ngày 23/12, Samsung chính thức khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội. Với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, Trung tâm được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng là 11.603m2, còn diện tích sàn là 79.511m2, đủ chỗ cho hàng ngàn kỹ sư làm việc.
Đó cũng chính là cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên tại Bắc Ninh: Đầu tư chiến lược cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) tại Việt Nam.
Tại lễ khánh thành Trung tâm R&D, ông Roh Tae Moon - Tổng giám đốc Samsung Electronics toàn cầu nhấn mạnh, trọng tâm tất cả các hoạt động kinh doanh của Samsung là nhân tài và công nghệ.
Thông qua Trung tâm này, ông Roh Tae Moon cho biết, Samsung sẽ hiện thực hóa hai tầm nhìn. Đầu tiên là nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển số 1 toàn cầu. Thứ hai, Samsung sẽ xây dựng nền tảng cho việc đào tạo nhân tài công nghệ thông tin và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.
Thực tế, ngay từ khi bắt đầu "đặt chân" vào Việt Nam, Samsung đã xác định đầu tư nghiêm túc và bài bản cho các hoạt động R&D.
Mặc dù Samsung triển khai rất nhiều trung tâm R&D trên thế giới như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,... Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một trung tâm với tầm chiến lược ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D.
Việc này cũng góp phần rất lớn đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu tại sự kiện khai trương Trung tâm R&D, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 30 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội là minh chứng cho định hướng và cam kết của Tập đoàn hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Trung tâm R&D Samsung đi vào hoạt động là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; là một trong những thành quả của quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua để đến ngày nay là Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.
Đồng thời thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong nghiên cứu, liên kết mạng lưới các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại các viện, trường, doanh nghiệp công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam để cùng thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp theo nhu cầu của Samsung và mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam.
Tháng 12/2022 cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Hà Nội như mở ra một tương lai mới, một chặng đường phát triển mới giữa hai nước. Chắc chắn, sẽ còn có các hoạt động chiến lược khác được Samsung đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới./.