Chiều 7/1, tại hội thảo Chương trình hợp tác nhằm thành lập Trung tâm giao dịch hoa, do Tổng công ty Thương mại Sài gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Satra, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đánh giá cao chủ trương thành lập Trung tâm giao dịch hoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt.
Việc thành lập các trung tâm giao dịch hoa sẽ giúp ngành hoa phát triển bền vững và hiện đại hơn.
Ông Đào Như Minh, chuyên viên Phòng dự án Satra, cho biết hai dự án Trung tâm giao dịch hoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt có sự đồng bộ giữa tiêu thụ và sản xuất, hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống kinh doanh, phân phối hiện đại.
Thông qua đó, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh với giá cả minh bạch, công bằng; đảm bảo chất lượng hoa từ nơi sản xuất cung ứng đến thị trường tiêu thụ; nâng cao lợi nhuận cho người trồng, thương nhân; phát triển ngành hoa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong đó, lợi ích của người trồng và thương nhân là được hỗ trợ kỹ thuật, giống, công nghệ, tài chính; tăng hiệu quả kinh doanh và cơ hội xuất khẩu.
Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng, hình thành mô hình sản xuất tiên tiến kết hợp kinh doanh và phát triển du lịch, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn, xây dung hình ảnh thương hiệu hoa Việt Nam.
Hiện nay, trong quá trình phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường, giá cả mặt hàng hoa không ổn định, giá bị đẩy lên cao do qua nhiều khâu trung gian; bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch chưa được đảm bảo đúng cách; tính minh bạch thị trường và trong sản xuất, kinh doanh còn thấp.
Ông Tôn Thiện San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, cho rằng vấn đề liên kết thương mại giữa các tỉnh, chợ đầu mối cần phải được quan tâm trong chuỗi cung ứng giá trị ngành hoa, tạo điều kiện để hàng hoá lưu thông dễ dàng và nhanh chóng.
Ngoài công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá thương hiệu, Đà Lạt cần có trung tâm đấu giá hoa giúp người dân chủ động giá cả cho sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết qua tham quan một số Hợp tác xã trồng hoa tại Nhật Bản, cho thấy nhu cầu thành lập Trung tâm giao dịch hoa thành phố Đà Lạt là mong muốn thiết thực của người sản xuất hoa; người sản xuất chở hoa đến đây tiêu thụ và biết giá bán là bao nhiêu.
Từ đó, hạn chế tình trạng người nông dân nhận đặt hàng từ thương lái, ngoài việc chưa biết giá bán mà còn phải lo lắng hoa đến nơi tiêu thụ bị hư hỏng.
Thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận có gần 8.000ha trồng hoa, tương đương 40% diện tích trồng hoa cả nước, chiếm 50% sản lượng cung ứng ra thị trường cả nước.
Giá trị bình quân đạt 750 triệu đồng/ha, nhưng xuất khẩu hoa thấp và chỉ chiếm 10% sản lượng sản xuất do sản phẩm chưa có giá trị gia tăng cao, đóng gói thô sơ.
Tuy nhiên, để dự án thành lập Trung tâm giao dịch hoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt thành công, ông Lý Phú Quí, thương nhân chợ hoa tươi Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng các bên liên quan phải liên kết, hình thành chuỗi cung ứng để đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng ổn định, cân đối cung cầu hợp lý.
Muốn phát triển Trung tâm giao dịch hoa, phải đầu tư công nghệ hiện đại và quy mô theo tiêu chuẩn, có các công cụ hiệu quả để điều phối cung cầu và ổn định giá cả. Đặc biệt, cần có nhà mát với quy mô lớn để bảo quản, nâng cao chất lượng hoa, tiến đến cung ứng thị trường nội địa và tiến đến xuất khẩu.
Dự án Trung tâm giao dịch hoa, cây kiểng, cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng tại Khu Thương mại Bình Điền, quận 8, với diện tích 14ha.
Trong năm nay, Trung tâm giao dịch hoa Thành phố Hồ Chí Minh triển khai xây dựng giai đoạn 1 và từ năm 2018 sẽ mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh dự án.
Theo đó, hình thành chuỗi cung ứng hoa mới, gồm: thu hoạch-xử lý sau thu hoạch-đóng gói-làm mát-trữ mát-vận chuyển bằng xe lạnh-Trung tâm giao dịch hoa, cây kiểng, cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh./.