“Sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã sẵn sàng để chính thức khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở nghiên cứu, làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm...”
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tại phiên khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, ngày 9/1.
Bộ trưởng cho biết Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ "khai sinh" tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.
Tại lễ khởi công trung tâm ngày hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là hoạt động quan trọng đánh dấu sự hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với quy mô, tầm cỡ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây cũng là lần đầu tiên Triển lãm quốc tế Đổi mới-Sáng tạo Việt Nam được tổ chức song đã quy tụ đầy đủ, tất cả các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu, trường đại học, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và sự góp mặt của các hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội và cả các mô hình kinh doanh của người yếu thế có ứng dụng đổi mới và sáng tạo trong các khâu sản xuất.
“Triển lãm sẽ là ‘diễn đàn kết nối’ các chuyên gia, nhà khoa học, các học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, quỹ đầu tư để cụ thể hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành các ý tưởng kinh doanh, các sản phẩm thương mại và là nơi truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Từ đó, trong những năm tiếp theo, triển lãm sẽ thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới bởi những cơ hội tự nó mang lại, để giới thiệu những công nghệ mới, những thành tựu đổi mới sáng tạo nổi bật nhất, để tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước,” Bộ trưởng nói./.