Trung tâm công nghiệp Changwon trước 'cơn bão' thương mại Nhật-Hàn

Trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị các phương án đối phó với những tác động từ quyết định của Nhật Bản, các nhà chế tạo tại Khu công nghiệp quốc gia Changwon đang lo lắng về tương lai của họ.
Trung tâm công nghiệp Changwon trước 'cơn bão' thương mại Nhật-Hàn ảnh 1Khu công nghiệp Changwon. (Nguồn: Yonhap)

Nhật Bản ngày 28/8 đã chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại được ưu tiên (còn gọi là “Danh sách Trắng”), làm gia tăng hơn nữa tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị các phương án đối phó với những tác động từ quyết định của Tokyo, các nhà chế tạo tại Khu công nghiệp quốc gia Changwon, cách thủ đô Seoul 300km về phía Tây Bắc, đang lo lắng về tương lai của họ.

Khu công nghiệp Changwon trong “tâm bão”

Nằm ở rìa phía Nam của Hàn Quốc, Khu công nghiệp quốc gia Changwon là trung tâm chủ chốt của ngành chế tạo ở nước này.

Changwon chú trọng sản xuất các công cụ máy móc cũng như phụ tùng ôtô, do đó khu công nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng Tám, Phòng Thương mại và Công nghiệp Changwon cho biết nếu những hạn chế của Nhật Bản nhằm siết chặt hoạt động xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc được thực thi thì điều này có thể cản trở hoạt động sản xuất công cụ máy móc ở khu công nghiệp Changwon.

Quyết định của Nhật Bản loại bỏ Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” đồng nghĩa với việc các công ty Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một quy trình phức tạp hơn để có thể xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể vào Hàn Quốc. Điều này nhiều khả năng sẽ gây gián đoạn trong hoạt động vận chuyển và sản xuất của các công ty Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, khu công nghiệp Changwon đặc biệt dễ bị tổn thương. Theo ước tính, khoảng 98,3% lượng nguyên vật liệu cần thiết mà các công ty sản xuất công cụ máy móc tại Changwon sử dụng được nhập từ Nhật Bản.

Năm 2018, các công ty trong khu phức hợp này đã nhập 283 triệu USD các sản phẩm liên quan đến hệ thống điều khiển tự động bằng máy tính (CNC), một thành phần quan trọng trong sản xuất công cụ máy móc. 

Tuy nhiên, việc xuất khẩu các hệ thống CNC bị chi phối bởi Fanuc - "người khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất robot công nghiệp của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là nếu mối quan hệ của các công ty Hàn Quốc với Nhật Bản bị phá vỡ, họ có thể không còn nguồn cung cấp các thiết bị quan trọng phục vụ cho sản xuất.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Changwon cho hay xuất khẩu công cụ máy móc của khu công nghiệp này đạt khoảng 1,45 tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Changwon.

Nếu các công ty tại đây không thể mua được các thành phần, nguyên vật liệu cốt lõi từ Nhật Bản, điều đó sẽ phá vỡ hoạt động sản xuất mặt hàng trên và gây tác động bất lợi đến các ngành công nghiệp liên quan. 

Căng thẳng thương mại cũng đe dọa các nhà sản xuất khác ở Changwon. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Changwon, các nhà sản xuất lốp xe hơi và lá đồng tại đây cũng phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản khi họ nhập tới gần 80% nguyên liệu sản xuất từ nước này.

[Nhật Bản thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng]

Ngoài ra, những biện pháp hạn chế thương mại của Tokyo được đưa ra giữa lúc các nhà sản xuất này đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược," nhất là sự sụt giảm kéo dài trong lĩnh vực chế tạo ô tô của Hàn Quốc.

Một số nhà quan sát địa phương nói rằng các vấn đề tại khu phức hợp Changwon đã tồn tại từ trước khi căng thẳng Nhật-Hàn leo thang, trong đó có tình trạng không có đủ việc làm cho công nhân.

Nếu mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn nữa, hoạt động của các nhà máy sản xuất có thể bị đình trệ hoàn toàn.

Căng thẳng trong quan hệ Nhật-Hàn khi nào chấm dứt?

Hạn chế thương mại đầu tiên mà Nhật Bản áp đặt đối với Hàn Quốc hồi tháng Bảy liên quan đến các hóa chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị, trong khi cả hai sản phẩm này đều là mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc. Lý do được Tokyo đưa ra lúc đó là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tình hình tiếp tục leo thang vào tháng Tám khi Nhật Bản thông qua quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.

Đáp lại, Hàn Quốc đã có động thái tương tự với Nhật Bản, đồng thời tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự song phương.

Giới chuyên gia cho rằng giữa lúc tranh chấp Nhật-Hàn đã trở thành một chủ đề chính trị được quan tâm rất lớn ở cả hai nước, không có một con đường rõ ràng nào dẫn đến một giải pháp đàm phán.

Ông Ha Jong-moon, giáo sư chuyên ngành lịch sử hiện đại Nhật Bản tại Đại học Hanshin (Seoul), nhận xét tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ còn kéo dài. Áp lực từ Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng gia tăng để buộc Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức một số cuộc đàm phán về vấn đề này. Nhiều khả năng, hai bên sẽ ngồi lại để đàm phán nghiêm túc vào mùa Thu tới.

Trung tâm công nghiệp Changwon trước 'cơn bão' thương mại Nhật-Hàn ảnh 2Khu công nghiệp Changwon phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Nhật Bản. (Nguồn: Yonhap)

Giáo sư Ha Jong-moon lưu ý việc Hàn Quốc tịch thu tài sản của các công ty Nhật Bản dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020, vì vậy quá trình đàm phán có thể kéo dài đến lúc đó. Nhưng nếu tranh chấp thương mại vẫn tiếp diễn đến năm sau, tình hình sẽ còn căng thẳng và khó giải quyết hơn.

Trong bối cảnh đó, ông Kim Hyun-bae, người đứng đầu bộ phận đánh giá tiêu chuẩn thương mại tại Cơ quan An ninh Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết hiện các công ty hầu như không thể làm gì ngoài việc công khai tuyên bố rằng hàng nhập khẩu của họ không gây nên rủi ro an ninh nào.

Ông Kim nhấn mạnh các công ty cần phải làm rõ rằng hàng nhập khẩu của họ không phải để sản xuất vũ khí mà hoàn toàn dành cho mục đích dân sự.

Ông Kim nói thêm cơ quan của ông cũng đang khuyến cáo các nhà nhập khẩu Hàn Quốc kiểm tra xem các đối tác Nhật Bản có được xác thực nằm trong Chương trình Tuân thủ Nội bộ (ICP) của nước này hay không. Điều này sẽ cho phép các nhà xuất khẩu Nhật Bản có nhiều tự do hơn trong việc xác định mặt hàng nào sẽ xuất sang quốc gia nào.

Theo ông Kim, các công ty Hàn Quốc có thể tránh được những hạn chế bằng cách giao dịch với các đối tác tuân thủ ICP.

Nhưng dù thực hiện các biện pháp đề phòng và nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều từ chính phủ, hoạt động chế tạo tại khu công nghiệp Changwon chắc chắn vẫn sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian trước mắt.

Trước khi những căng thẳng chính trị và thương mại giữa Seoul và Tokyo chưa được giải quyết triệt để, các công ty tại đây vẫn sẽ phải vừa nỗ lực duy trì sản xuất, vừa tìm kiếm hướng đi cho tương lai chông chênh của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục