Đà tăng trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ tăng tốc trong tháng Chín, khi nhu cầu vẫn mạnh mẽ trên toàn cầu đã lấn át phần nào áp lực đối với các nhà máy từ tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong nước.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Chín đã tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 25,6% so với tháng Tám, trong khi các chuyên gia trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dự đoán đà tăng trưởng sẽ giảm tốc xuống 21%.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Chín tăng 17,6%, thấp hơn mức dự đoán tăng 20% trong cuộc khảo sát của Reuters, cũng như mức tăng 33,1% trong tháng Tám.
[Trung Quốc: Giá than nhiệt tăng cao kỷ lục do khan hiếm nguồn cung]
Như vậy, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại 66,76 tỷ USD trong tháng vừa qua, cao hơn mức dự đoán 46,8 tỷ USD và thặng dư 58,34 tỷ USD trong tháng trước đó.
Trong đó, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu hải quan, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng từ 37,68 tỷ USD trong tháng Tám lên 42 tỷ USD trong tháng Chín.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính sách phân phối điện theo định mức tại Trung Quốc trong tháng Chín có thể chưa có tác động đến xuất khẩu, nhưng có khả năng sẽ gây áp lực cho hoạt động sản xuất và làm gia tăng chi phí cho các nhà chế tạo Trung Quốc trong những tháng tới.
Những số liệu gần đây cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang chậm lại. Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã bất ngờ giảm xuống trong tháng Chín, khi nhiều công ty phải “vật lộn” với chi phí gia tăng và chính sách phân phối điện theo định mức.
Nhiều chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) sẽ ban hành nhiều chính sách kích thích hơn nữa, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có một sự phục hồi ấn tượng từ đại dịch, nhưng đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi này đang chậm lại. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ như trên có thể là một lực đẩy trước những “cơn gió ngược” từ hoạt động chế tạo đang giảm tốc, hoạt động tiêu dùng yếu và lĩnh vực bất động sản đang “mất đà”./.