Trung Quốc xây đặc khu kinh tế Thâm Quyến thành đô thị kiểu mẫu

Theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2020-2025, Thâm Quyến sẽ thúc đẩy cải cách và mở cửa ở cấp độ cao hơn, nhằm hướng tới các mục tiêu lớn hơn.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. (Nguồn: globaltimes.cn)

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc mới đây đã công bố kế hoạch thí điểm cải cách đặc khu kinh tế Thâm Quyến thành đô thị kiểu mẫu của Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong năm năm tới.

Theo tài liệu do Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện công bố, việc hỗ trợ Thâm Quyến thực hiện các biện pháp cải cách toàn diện là bước đi quan trọng nhằm hướng tới việc mở cửa đặc khu này trong kỷ nguyên mới và là động thái quan trọng trong việc xây dựng thí điểm khu vực kiểu mẫu Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2020-2025, Thâm Quyến, hiện được quyền tự trị nhiều hơn trong việc cải cách những lĩnh vực và kết nối quan trọng, sẽ thúc đẩy cải cách và mở cửa ở cấp độ cao hơn, nhằm hướng tới các mục tiêu lớn hơn.

Theo các mục tiêu gồm ba bước trong kế hoạch, dự kiến trong năm nay, các biện pháp cải cách lớn sẽ được thực hiện trong các lĩnh vực như phân bổ các nhân tố sản xuất dựa trên nhu cầu của thị trường, tối ưu hóa môi trường kinh doanh và tận dụng không gian đô thị. Vào năm 2022, những thành tựu thể chế quan trọng có khả năng được nhân rộng và thúc đẩy sẽ được triển khai trong tất cả các lĩnh vực liên quan.

Đến năm 2025, Thâm Quyến sẽ đạt được các thành tựu mang tính bước ngoặt, theo đó các nhiệm vụ cải cách thí điểm về cơ bản đã được hoàn tất và cung cấp một mô hình thiết yếu cho việc xây dựng thể chế trong cả nước.

Để tối ưu hóa môi trường kinh doanh, Thâm Quyến sẽ đề ra một loạt biện pháp đặc biệt để nới lỏng các hạn chế đối với một số lĩnh vực bao gồm năng lượng, viễn thông, dịch vụ công, giao thông và giáo dục.

[Ý nghĩa của chiến lược tuần hoàn kép đối với Trung Quốc và thế giới]

Thâm Quyến cũng sẽ nỗ lực cải cách để nới lỏng hơn nữa các giới hạn đầu tư nước ngoài đối với các công nghệ tiên tiến và cải thiện hệ thống cạnh tranh công bằng.

Đặc khu này sẽ thí điểm bảo vệ hợp pháp các quyền sở hữu trí tuệ mới (IPR), hỗ trợ các nhân tài nước ngoài có được giấy phép thường trú ở Trung Quốc và tham dự các kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên môn.

Thành phố cũng sẽ tăng cường mở cửa trong ngành tài chính và vận tải biển, với nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và cải thiện hệ thống quản lý ngoại hối. Theo kế hoạch, các tổ chức nước ngoài được khuyến khích thành lập các công ty chứng khoán và quản lý quỹ đầu tư tại đây.

Theo một kế hoạch dài hạn công bố vào năm ngoái, Thâm Quyến sẽ phấn đấu trở thành hình mẫu của Trung Quốc về phát triển chất lượng cao, đồng thời là trung tâm đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo với tầm ảnh hưởng quốc tế vào năm 2035.

Thâm Quyến là thành phố hiện đại với 13 triệu dân tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Kể từ khi trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc cách đây 40 năm, Thâm Quyến đã trải qua những thay đổi đáng kể.

Trong giai đoạn từ năm 1979-2019, Tổng sản phẩm (GDP) của Thâm Quyến đã tăng trưởng hàng năm ở mức 21,6% lên 2.690 tỷ nhân dân tệ (khoảng 396,78 tỷ USD), và GDP bình quân đầu người tăng mạnh từ 606 nhân dân tệ (90.5 USD) lên 203.489 nhân dân tệ (30.396 USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục