Ngày 18/2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xác nhận bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Quý Châu ở miền Tây Nam và dịch bệnh ở dê ở Khu tự trị Ninh Hạ Hồi, miền Tây Bắc nước này.
Trước đó, ngày 13/2, một trang trại tại một làng ở huyện Tây Tú, thuộc thành phố An Thuận của tỉnh Quý Châu thông báo 3.629 con gà nuôi tại trang trại này có triệu chứng nhiễm cúm gia cầm, 976 con trong đó đã chết.
Phòng thí nghiệm cúm gia cầm quốc gia đã tiến hành xét nghiệm và xác nhận đàn gà này đã nhiễm virus H5N1.
Cũng trong ngày 13/2, một làng ở huyện Diên Trì, thuộc thành phố Ngô Trung tại khu tự trị Ninh Hạ Hồi thông báo 116 con dê có triệu chứng nhiễm dịch PPR (một loại dịch bệnh ở dê), 32 con trong đó đã chết. Trung tâm nghiên cứu bệnh động vật ngoại lai quốc gia đã xác nhận đàn dê này nhiễm PPR.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giới chức địa phương đã cho tiêu hủy những con bị chết và nhiễm bệnh, tiến hành phong tỏa và khử trùng những khu vực nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cúm gia cầm bắt nguồn từ động vật do các loại virus thường chỉ nhiễm ở gia cầm, nhưng đôi khi cũng nhiễm ở lợn. Bệnh này có thể gây tử vong ở người.
PPR là bệnh lây chủ yếu ở dê và cừu. Các con vật nhiễm bệnh này có các triệu chứng như sốt, nhiễm trùng, thở khò khè và tiêu chảy.
Tuy nhiên, mặc dù dịch cúm gia cầm H7N9 vẫn đang hoành hành nghiêm trọng tại Trung Quốc Đại lục và đã có ba bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh này tại Đặc khu hành chính Hong Kong, nhưng người dân ở đây vẫn tỏ ra thờ ơ với tình hình dịch bệnh.
Cho đến nay, Hong Kong đã có tổng cộng năm bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, trong đó có ba người đã tử vong.
Giới chức và các chuyên gia y tế Hong Kong đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch và khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng tránh, cũng như tiến hành nhiều biện pháp đề phòng dịch bệnh lan rộng.
Nhà chức trách Hong Kong đã cấm nhập khẩu gia cầm sống từ Trung Quốc Đại lục sau khi phát hiện một lô gà nhập khẩu từ đây bị nhiễm virus cúm gia cầm, cho tiêu hủy 20.000 con gà tại một khu chợ bán buôn gia cầm, đồng thời như cấm kinh doanh gia cầm sống từ trước Tết Nguyên Đán đến ngày 18/2.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, bất chấp những khuyến cáo và cảnh báo, vẫn có một số cửa hàng tại Hong Kong tiếp tục bán gia cầm thịt sẵn.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng như hiện nay, việc lệnh cấm kinh doanh gia cầm sống ở Hong Kong sẽ hết hiệu lực từ ngày 19/2 khiến nguy cơ lây nhiễm H7N9 tại đây gia tăng trở lại.
Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo người dân Hong Kong nên thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm, theo đó nên mua sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh thay vì mua gia cầm tại các khu chợ là những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao./.