Theo Tạp chí Đa chiều, Chính phủ Trung Quốc đã công bố báo cáo thuyết trình về "Kiến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035."
Đây là văn kiện chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 về việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc trong thời gian tới. Mặc dù bản quy hoạch chính thức phải chờ lưỡng hội xem xét thông qua mới được công bố, nhưng văn kiện chỉ đạo đã xác định tương đối rõ các phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc giai đoạn tới.
"Thay đổi" và "không thay đổi"
Từ "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" đến mục tiêu tầm nhìn năm 2035, Chính phủ Trung Quốc luôn thông qua quy hoạch dài hạn để đảm bảo tính liên tục của chính sách.
"Quy hoạch 5 năm" là cách làm mà Trung Quốc đã học tập Liên Xô sau khi xây dựng chính quyền, là bộ phận cấu thành quan trọng trong chương trình phát triển nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc. Kể từ khi xây dựng "Quy hoạch 5 năm" lần thứ nhất cho đến nay, Trung Quốc đã công bố các chiến lược "Quy hoạch 5 năm," xuyên suốt từ thời kỳ kinh tế kế hoạch đến thời kỳ kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng quy hoạch dài hạn là rất phức tạp khó khăn, đòi hỏi phải đồng bộ hệ thống và luôn rất công phu. Lấy "Quy hoạch 5 năm" làm ví dụ, nhìn chung phải bắt tay xây dựng kể từ giữa kỳ thực hiện quy hoạch kỳ trước, thu thập và tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu, đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội để điều chỉnh phù hợp, quá trình này kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Đứng trước "cục diện thay đổi 100 năm mới có," môi trường bên ngoài xuất hiện tính không xác định nhiều hơn, trong khi logic hạt nhân của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng thay đổi.
Sau 42 năm cải cách mở cửa, các nhân tố hỗ trợ kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao bắt đầu suy yếu - lợi tức dân số không còn, đóng góp của đầu tư và xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế dần giảm xuống, toàn cầu hóa đối diện với sự uy hiếp của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa biệt lập.
[Chính sách quyết định thành bại chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc]
Trong bối cảnh đó, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc cần phải chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao trước đó sang tăng trưởng hiệu quả chất lượng. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể tồn tại lâu dài, sẽ làm thay đổi sâu sắc đường hướng phát triển của rất nhiều ngành trước đó, tất cả những nhân tố này đều gây nên thách thức đối với quy hoạch dài hạn của quốc gia.
Vấn đề đáng chú ý là trong dự thảo đặc biệt nhấn mạnh đến việc "một số địa phương và bộ ngành kiến nghị xác định rõ mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn" nhưng ban soạn thảo quy hoạch cho rằng dù môi trường bên ngoài hay phát triển kinh tế bên trong đều đối diện với rủi ro tiềm ẩn, do đó nên pha loãng mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Điều này cho thấy, trong bối cảnh cần thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế, rất nhiều bộ ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn loay hoay trong mô hình tư duy quản trị hướng đến "tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)," vì vậy thông qua quy hoạch dài hạn thống nhất nhận thức và thay đổi phương thức đánh giá thành tích, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là tốc độ.
Địa vị hạt nhân của đổi mới sáng tạo
Lưu Tiếu, Viện trưởng Học viện quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng nhìn từ góc độ trung và dài hạn, kinh tế Trung Quốc có thể đối diện với ba thách thức lớn.
Một là sau khi hoàn thành tiến trình công nghiệp hóa, làm thế nào để nâng cao hơn nữa năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Thời đại công nghiệp hóa thích hợp cho việc duy trì tăng trưởng tốc độ cao của TFP, nhưng khi tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc cơ bản kết thúc, đến năm 2035, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GDP lên đến trên 65%, lúc đó việc phải duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm cả ngành dịch vụ cao hơn TFP là điều không dễ dàng.
Hai là sự lưu chuyển của các nhân tố vốn, nhân lực, đất đai của Trung Quốc không được thông suốt đã hạn chế sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc.
Ba là làm thế nào để nâng cao địa vị của nền kinh tế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu? Mặc dù mức độ tham gia của nền kinh tế Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu rất cao, nhưng lại phụ thuộc vào nhập khẩu thượng nguồn, đặc biệt là những hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Khi đánh giá vị trí chiến lược của một quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, trọng điểm được đặt ở trình độ thượng nguồn.
Theo dự tính của Học viện quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, trình độ thượng nguồn của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu là 0,01 (trị số càng lớn, vị trí càng cao), của Mỹ là 0,29 và bình quân của các nền kinh tế mở cửa chủ chốt là 0,04, điều này nghĩa là so với các nền kinh tế mở cửa khác, Trung Quốc nằm ở hạ nguồn trong chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ phụ thuộc đối với nguyên vật liệu thượng nguồn, công nghệ cốt lõi và linh kiện then chốt tương đối cao.
Để giải quyết vấn đề trên, trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035, Trung Quốc nhấn mạnh "kiên trì địa vị hạt nhân của đổi mới sáng tạo trong cục diện xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc, xem tự lực tự cường khoa học công nghệ là trụ cột chiến lược của phát triển đất nước."
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ cũng cần những cơ chế "thưởng phạt rõ ràng." Đầu tiên, vấn đề mấu chốt của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là nhân tài. Song song với việc hoàn thiện "thể chế toàn quốc," trọng điểm nên đặt ở phương diện nhân tài và cải cách các cơ quan nghiên cứu khoa học, phá vỡ thể chế quản lý quan liêu và bầu không khí học phiệt của hệ thống trường học, cơ quan nghiên cứu hiện nay của Trung Quốc, khuyến khích mong muốn đổi mới sáng tạo, giúp nhân tài ưu tú có thể phát triển hiệu quả.
Học tập kinh nghiệm của nước khác
Ngoài ra, bên cạnh chú trọng đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, cũng nên chú ý đến việc bồi dưỡng đội ngũ nhân viên tuyến đầu nghiên cứu cơ bản và ngành nghề cơ bản. Nhìn từ điểm yếu công nghệ của các ngành công nghiệp Trung Quốc như chip, chế biến sâu, hóa chất tinh chế…, phần lớn đều do thiếu nghiên cứu cơ bản và công nghệ gây nên.
"Thể chế toàn quốc" không những tập trung vào các sản phẩm cụ thể cần thiết hiện nay, mà cũng cần bắt đầu từ những điều cơ bản trong giáo dục và đào tạo, tuyển dụng nhân tài và phân phối thu nhập. Như vậy mới có thể hình thành bầu không khí và cục diện toàn xã hội coi trọng nghiên cứu khoa học, nhân tài chảy về các ngành cơ bản.
Tiếp đến, thiết lập hệ thống nghiên cứu phát triển bậc thang của chính phủ, doanh nghiệp, chú trọng hợp tác toàn cầu, hình thành cục diện "ràng buộc lẫn nhau". Thúc đẩy ngành công nghệ cao không phải là một hệ thống khép kín, tự chủ công nghệ không đồng nghĩa với bế quan tỏa cảng. Một mặt, mạnh dạn thu hút những doanh nghiệp và nhân tài trên thế giới muốn đầu tư vào Trung Quốc, chia sẽ công nghệ, mặt khác cũng nên chia sẻ công nghệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới và nhà đầu tư quốc tế.
Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc nên đẩy nhanh việc thành lập các cơ chế tham gia và rút khỏi đầu tư mạo hiểm ở cấp độ quốc gia, kiện toàn thị trường đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, Ủy ban sáng tạo khoa học công nghệ (STAR Market) cổ phiếu loại A của Trung Quốc là một thử nghiệm tốt, nhưng vẫn nên có nhiều mô hình thử nghiệm hơn nữa, đặc biệt là cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai thí điểm tập trung vào thị trường đầu tư mạo hiểm quốc tế, đội ngũ nghiên cứu phát triển công nghệ.
Theo Phó Chủ tịch Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Hoàng Kỳ Phàm, một số địa phương khi xây dựng vườn ươm công nghệ luôn sử dụng biện pháp ưu đãi về giá cho thuê đất để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hiệu quả của cách làm này không tốt. Sở dĩ năng lực ươm tạo của Thung lũng Silicon mạnh là do trên cơ sở sàng lọc các dự án tốt, chính phủ cung cấp toàn bộ hướng dẫn kinh doanh và cơ sở hạ tầng như phòng thí nghiệm chuyên nghiệp… cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, Thung lũng Silicon còn thông qua việc thu hút các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), quỹ đầu tư mạo hiểm để thực hiện các giai đoạn khác nhau của vòng đời doanh nghiệp sáng tạo công nghệ. Cộng thêm sự khuyến khích của "Đạo luật Bayh-Dole" nên thành quả nghiên cứu khoa học có thể chuyển hóa thành sức sản xuất.
Sau cùng, Trung Quốc cần chú trọng đến việc bồi dưỡng toàn bộ hệ thống thị trường và xây dựng hệ sinh thái công nghệ. Đồng thời với việc duy trì mở cửa, cần tăng cường bảo vệ các ngành công nghiệp. Trong ứng dụng, hỗ trợ công nghệ tự chủ không thể chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, mà phải nhấn mạnh đến việc tối đa hóa lợi ích tổng hợp, nhấn mạnh sự phối hợp của toàn bộ hệ thống công nghiệp, tiêu dùng xã hội. Bất cứ một công nghệ nào cũng được phát triển rất khó khăn, do đó phải có lòng kiên trì, cần bồi dưỡng thói quen tiêu dùng, hình thành văn hóa ủng hộ Trung Quốc đổi mới sáng tạo.
Trong vài tháng tới, ban soạn thảo "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" sẽ trưng cầu ý kiến các bên, xây dựng, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, đồng thời trình Quốc hội xem xét phê chuẩn vào năm 2021, khi đó các giới bên ngoài sẽ có nhận thức rõ ràng và chính xác hơn đối với quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc.
Có thể khẳng định rằng cho dù chi tiết bản quy hoạch được hoàn thiện như thế nào, thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là hạt nhân của kinh tế Trung Quốc trong tương lai./.