Theo trang mạng eurasiareview.com, Trung Quốc vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2018 ở Bắc Kinh từ ngày 3-4/9.
Mục tiêu chính của hội nghị này là tăng cường quan hệ kinh tế của Trung Quốc với châu Phi. Sự kiện này được tổ chức vào thời điểm Trung Quốc đang đối mặt với cuộc chiến thương mại do Mỹ khai hỏa.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố rõ ràng ý định của mình là nhằm làm tái sinh nền kinh tế Mỹ. Theo quan điểm của ông Trump, một cách để thực hiện mục tiêu này là áp đặt thuế vào hàng hóa Trung Quốc. Những loại hàng hóa này có khả năng “đặt chân” vào thị trường Mỹ do Bắc Kinh “thao túng tiền tệ” và đang gây tổn hại sức khỏe kinh tế của Washington.
Khi Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, bất kỳ chính sách thương mại hạn chế nào mà Washington thực hiện sẽ gây tác động bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Với tham vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian sớm nhất có thể, Bắc Kinh cần tìm cách đối phó với thách thức mới trên. Vì vậy, dường như Trung Quốc đang hướng tới châu Phi như một thị trường thay thế tiềm năng.
Gần 30.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi, chủ yếu tham gia lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng vốn đang rất thiếu hụt. Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội này và dường như đến thời điểm này, chỉ duy nhất Trung Quốc có mong muốn hoặc có khả năng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn ở lục địa này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi đây là mối quan hệ đối tác hai bên cùng thắng khi phía các công ty Trung Quốc có được các hợp đồng béo bở còn phía châu Phi có được cơ sở hạ tầng mong muốn.
[Lý do Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho châu Phi]
Mặc dù vậy, đã xuất hiện những quan ngại về sự can dự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Phi.
Giới chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang giăng “ngoại giao bẫy nợ” và những hoạt động của các công ty Trung Quốc ở đây cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tham nhũng và hủy hoại môi trường. Thế nhưng, Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng đây là mưu đồ của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc lập luận rằng đầu tư của họ không đi kèm với những ràng buộc chính trị. Nhưng đây cũng là là lý do vì sao Trung Quốc có thể chào bán mọi loại hình dự án với cái giá cắt cổ cho châu Phi. Chi phí của các dự án do Trung Quốc triển khai đang được đánh giá lại. Có tin cho rằng "gã châu Á" này đang nâng mức giá cao gấp 3 lần so với giá thực tế.
Ngoài ra, trong khi viện trợ của Trung Quốc có thể không "đính kèm" các ràng buộc chính trị, song lại “kẹp” theo các ràng buộc kinh tế.
Để bác lại cáo buộc rằng nước này đang tung chiêu bài chính sách bẫy nợ, Bắc Kinh nói rằng nước này không phải là chủ nợ chính của châu Phi. Hiện lục địa này đang gánh khoản nợ khoảng 6 nghìn tỷ USD. Phần lớn trong số đó là nợ các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức gồm 19 quốc gia là chủ nợ).
Tiền vay của Trung Quốc chiếm phần nhỏ trong tổng số tiền vay mà lục địa này phải trả. Nhưng một thực tế là tiền vay của Trung Quốc đã và đang ngày càng “phình to” trong thời gian gần đây. Và Trung Quốc có kế hoạch “đổ” gần 1 nghìn tỷ USD vào lục địa này trong vòng 12 năm tới.
Có điều chắc chắn rằng cách thức mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi hiện nay đã làm nảy sinh không ít quan ngại về nợ nần, tham nhũng và suy thoái môi trường. Vấn đề nợ nần hiển hiện rõ ràng ở Zambia, Djibouti và Cộng hòa Dân chủ Congo. Điều “thú vị” là Tổng thống Congo lại không nắm rõ nước này nợ Trung Quốc bao nhiêu nên chuyến thăm Bắc Kinh thực chất chỉ là muốn xác định rõ số tiền nợ cần phải trả.
Mặc dù vậy, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi nói trên vẫn nhận được những lời lẽ biện hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo hàng đầu các nước châu Phi đối với sự can dự kinh tế của Bắc Kinh ở lục địa này.
Một số nền kinh tế châu Phi hiện đang tăng trưởng tốt và GDP đạt từ 6-7%. Trung Quốc đang “để mắt” nhiều hơn đến các nền kinh tế có chính sách quản lý tốt hơn như Nam Phi, Nigeria và Đông Phi.
Bắc Kinh hết sức quan ngại về triển vọng thương mại với Mỹ do các chính sách kinh tế của Trump hiện nay.
Hồi tháng 8/2018, một quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ kế hoạch của nước này tăng giá trị xuất khẩu sang châu Phi lên 500 tỷ USD hàng năm, theo đó sẽ sử dụng lục địa này để thay thế Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bắc Kinh. Những ý định tương tự thế này đã được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc-châu Phi nói trên. Theo cách này, Bắc Kinh hy vọng làm vô hiệu hóa tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của ông Trump.
Trung Quốc có hoặc không thể thành công trong việc biến châu Phi thành một thị trường thay thế. Nếu thành công, quan hệ thương mại song phương có thể trở nên ngày càng mất cân đối hơn và nghiêng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh nhưng lại thua thiệt nhiều hơn đối với châu Phi. Điều thú vị ở đây là châu Phi lại đang được “ve vuốt” để ngả theo cách này./.