Trong 10 năm tới, quy mô doanh số của ngành hàng xa xỉ thế giới dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình một con số, trong đó, tiêu dùng từ Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng chính.
Dự kiến đến năm 2032, Trung Quốc chiếm tới 34% tổng lượng tiêu thụ hàng hóa xa xỉ toàn cầu, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mức 18% của năm 2022.
Báo cáo của hãng nghiên cứu đầu tư và xếp hạng quỹ Morningstar cho biết mặc dù trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa xa xỉ của nước này.
Tuy nhiên, so với mức tiêu dùng trước đại dịch, nhu cầu đã thấp hơn 30%.
Về dài hạn, nhu cầu hàng hóa xỉ của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tài sản và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.
Cường quốc lớn nhất châu Á tiếp tục là động lực giúp quy mô doanh số của ngành hàng xa xỉ toàn cầu tăng trưởng với tốc độ bình quân một con số trong 10 năm tới.
Ngành hàng xa xỉ châu Âu sa sút do vắng du khách Trung Quốc
Ở Mỹ, lạm phát, lãi suất cao và sự biến động của thị trường tài sản đã kìm hãm tâm lý tiêu dùng hàng hóa xa xỉ. Xu hướng tiêu dùng hàng hóa xa xỉ tăng vọt trong đại dịch đã không thể tiếp tục duy trì.
Dự kiến trong năm nay, thị phần của Mỹ trong tiêu dùng hàng hóa xa xỉ toàn cầu sẽ suy giảm hai con số, sau đó tăng trưởng với tốc độ bình quân một con số vào các năm tới.
Tại châu Âu, tiêu dùng hàng hóa xa xỉ sẽ giảm trong cả năm 2023 và 2024, sau đó là mức tăng trưởng thấp một con số.
Báo cáo của Morningstar nhấn mạnh phần lớn các thương hiệu hàng hóa xa xỉ đều hưởng lợi từ lợi thế của tài sản vô hình. Điều này được thể hiện ở khả năng kiểm soát phân phối, định vị tiêu dùng, giá trị đầu tư và các quyết định mạnh mẽ về phân khúc giá cao.
Nhìn chung, các thương hiệu lớn lâu đời như Hermes, LVMH, Richemont vẫn là những doanh nghiệp hàng hóa xa xỉ có hoạt động kinh doanh sôi nổi nhất.
Mặc dù các công ty hàng hóa xa xỉ khác cũng có thể đạt được lợi nhuận vượt trội trong 10 năm tới, nhưng trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thay đổi, sự mở rộng quá mức về tiềm năng và suy thoái mang tính chu kỳ có thể sẽ gây nên mối đe dọa đối với các doanh nghiệp này.
Trong ngành hàng cao cấp, những công ty dư thừa tiền mặt thường mua lại các thương hiệu khác, bổ sung cho sản phẩm hiện có của mình, để lấp đầy khoảng trống danh mục hàng hóa và kênh phân phối. Đây cũng là biện pháp mở rộng hoạt động kinh doanh đến những khu vực chưa khai thác.
LVMH và Kering là những công ty sôi nổi nhất về phương diện mua lại. Cơn khát mua lại và trả giá cao để sở hữu các thương hiệu khác cho thấy mức độ khó khăn của việc xây dựng thương hiệu hàng hóa xa xỉ ngay từ đầu. Nó cũng cho thấy các thương hiệu hàng hóa xa xỉ thực sự có lợi thế tài sản vô hình.
Báo cáo của Morningstar nhận định doanh số bán hàng trực tuyến của hàng hóa xa xỉ có thể sẽ thấp hơn 30% trong 10 năm tới.
Trong 5 năm gần đây, biên lợi nhuận gộp của các công ty hàng hóa xa xỉ sẽ tiếp tục tăng nhẹ khoảng 20%.
Nhưng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và lạm phát đi xuống, nên tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ yếu hơn nhiều so với dự báo đã đưa ra trước đó.
Ngoài ra, mặc dù những năm gần đây các thương hiệu hàng hóa xa xỉ lớn đã tăng cường khai thác kênh bán hàng trực tuyến, tuy nhiên có sự chênh lệch giá cả giữa hàng hóa bán ở Trung Quốc và ở châu Âu, dẫn đến việc mua hàng hóa xa xỉ thông qua kênh du lịch dự kiến phục hồi mạnh mẽ.
Hơn nữa, nhờ lợi thế trải nghiệm mua sắm cá nhân chất lượng cao ở các cửa hàng ngoại tuyến, nên tỷ lệ thâm nhập bán hàng trực tuyến của hàng hóa xa xỉ trong 10 năm tới có thể thấp hơn 30%./.