Việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận có thể mang lại điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc và Mỹ, trong khi EU và một số đối tác thương mại khác của Anh, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, có thể chịu những thiệt hại lớn.
Theo một báo cáo mới được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố, một cuộc ly hôn “đột ngột” giữa London và EU sẽ “ảnh hưởng đáng kể đến các điều kiện tiếp cận thị trường Anh cho cả các nước phát triển và đang phát triển.”
Thị trường Anh chiếm khoảng 3,5% thương mại toàn cầu. London đã nhập khẩu khối lượng hàng hóa trị giá 680 tỷ USD từ khắp nơi trên thế giới trong năm 2018, trong đó khoảng 360 tỷ USD từ các nước châu Âu.
Nếu Brexit cứng xảy ra, xuất khẩu của EU sang Anh có thể giảm gần 34,5 tỷ USD. Vương quốc Anh là đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia mới nổi, bao gồm nhiều nước EU mà đến nay vẫn được hưởng điều kiện xuất khẩu thuận lợi nhờ chế độ ưu đãi nội khối.
Trong kịch bản "Brexit không thỏa thuận," tức là sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp để đàm phán các thỏa thuận song phương cho tương lai, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đứng thứ hai sau EU trong danh sách các nền kinh tế bị thua thiệt, với giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Anh giảm khoảng 2,4 tỷ USD.
Tiếp đến là Hàn Quốc, Na Uy, Iceland, Campuchia và Thụy Sỹ. Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc thương mại quốc tế của UNCTAD đánh giá rằng Brexit không chỉ là một vấn đề khu vực. Việc Vương quốc Anh rời khỏi EU sẽ làm thay đổi tình thế của các nước ngoài EU khi xuất khẩu sang thị trường Anh.
Nếu London rời EU mà không có thỏa thuận về bảo vệ các đối tác thương mại hiện tại thì điều này có thể làm gia tăng khả năng cạnh tranh tương đối của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc hay Mỹ.
Trên thực tế, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một quốc gia không thể dành ưu đãi cho một đối tác thương mại mà phải áp dụng chính sách thuế tương tự cho tất cả các thành viên khác, trừ trường hợp giữa họ có ký kết hiệp định thương mại.
Do đó, theo UNCTAD, Trung Quốc có thể bỏ túi thêm 10,2 tỷ USD nhờ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh và trường hợp của Mỹ là 5,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Anh cũng được dự đoán tăng khoảng 4,9 tỷ USD trong khi Thái Lan, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil, Nga, Việt Nam được cho là đều có khả năng được hưởng lợi.
Bên cạnh các tác động tiêu cực về thương mại, EU và Anh luôn là những bên thiệt hại trước tiên trong các lĩnh vực khác như tài chính, việc làm, giao thông, du lịch hay công nghệ thông tin.
Việc nền kinh tế lớn thứ năm thế giới rút khỏi EU sẽ gây ra một sự không chắc chắn cho thị trường và trong trường hợp Brexit cứng, khả năng mất giá của đồng bảng Anh cũng như sức mua của người tiêu dùng sụt giảm là rất cao.
Theo một nghiên cứu vừa công bố của Viện nghiên cứu IWH (Đức), khoảng 612.000 việc làm có thể bị đe dọa tại hơn 43 quốc gia do xuất khẩu hàng hóa của châu Âu sụt giảm. IWH ước tính nhập khẩu hàng hóa từ EU của Anh có thể giảm 25%.
[Con đường tiến tới thỏa thuận thương mại với Mỹ còn chông gai]
Nghiên cứu này cho biết sẽ có gần 179.000 việc làm ở EU bị ảnh hưởng trực tiếp do sự sụt giảm nhập khẩu và 433.000 việc làm gián tiếp bị đe dọa nếu tính cả ở EU và các quốc gia khác.
Với kịch bản hai bên không đạt thỏa thuận, hậu quả của nó có thể là rất nghiêm trọng đối với ngành giao thông vận tải. Các thỏa thuận về hàng không song phương sẽ phải được đàm phán lại giữa Vương quốc Anh và 27 quốc gia thành viên còn lại của EU.
Các hãng hàng không của Anh và các nước EU sẽ mất quyền tự động khai thác các chuyến bay sang vùng trời của nhau. Các bên cũng phải tìm ra giải pháp để cho phép các công ty duy trì kết nối giao thông và vô số những công việc tương tự sẽ cần được thực hiện để duy trì hệ thống tàu Eurostar nối Anh với EU, cũng như trong lĩnh vực vận tải đường sắt hoặc đường bộ.
Những hậu quả tất yếu của Brexit cũng sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Nếu không có thỏa thuận giữa Anh và châu Âu, các rào cản về hải quan sẽ được khôi phục và người Anh muốn tới châu Âu có thể sẽ phải xin giấy phép lái xe quốc tế.
Nhìn chung, khả năng thay đổi của nhiều quy định cũng như các điều kiện du lịch sẽ ảnh hưởng đến quyết định của du khách muốn đến Vương quốc Anh. Trong ngành viễn thông, người tiêu dùng Anh sẽ phải trả phí chuyển vùng trong thời gian ở EU và ngược lại. Ngay cả khi mỗi nhà khai thác có quy định khác nhau, phí chuyển vùng ở Vương quốc Anh là rất cao.
Bên cạnh đó, tác động của tình trạng bế tắc còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như phí ngân hàng, vấn đề di cư, hàng rào thuế quan, bất động sản, phí hải quan, an toàn thực phẩm, thuế giá trị gia tăng, thủ tục hành chính, dịch vụ y tế, lệ phí mua sắm trực tuyến cùng nhiều lĩnh vực khác./.