Trung Quốc và công cuộc cải cách toàn diện kinh tế-xã hội

Hội nghị TW 3 của Trung Quốc đã thông qua văn kiện xác định tinh thần chung của cải cách toàn diện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: wantchinatimes.com)

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII), vừa bế mạc chiều 12/11.

Đây là sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi bởi hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ là cột mốc, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc cải cách kinh tế, xã hội ở Trung Quốc.

Thông cáo chung của hội nghị đã đưa ra những phương hướng chính sách rộng lớn, với điểm nổi bật là về phát triển kinh tế, điều mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng sẽ là chìa khóa giải quyết những vấn đề mà đất nước đang đối mặt.


Thông qua nghị quyết về cải cách toàn diện

Sau bốn ngày họp, Hội nghị đã thông qua “Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề trọng đại liên quan tới cải cách sâu rộng, toàn diện.”

Đây được coi là văn kiện xác định tinh thần chung của công cuộc cải cách toàn diện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Văn kiện này cũng được cho là cương lĩnh lãnh đạo đất nước của “Thể chế Tập-Lý” (Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) lần đầu tiên được thể hiện một cách có hệ thống.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu chung của cải cách sâu rộng là đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý của đất nước. Mục tiêu đó phải dựa trên thực tế rằng đất nước vẫn đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội và chặng đường phía trước còn dài.

Nghị quyết nhấn mạnh cải cách kinh tế đóng vai trò chìa khóa và giải pháp then chốt là mối quan hệ hài hòa giữa chính phủ và thị trường, để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực.

Trong khi tiếp tục theo đuổi và cải thiện hệ thống kinh tế cơ bản, Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống kinh tế thị trường, hệ thống văn bản pháp luật vĩ mô và một nền kinh tế mở.

Nghị quyết chỉ ra rằng để thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực, nhiệm vụ cơ bản là xây dựng một nền kinh tế mở và thống nhất với sự cạnh tranh có trật tự. Trong một hệ thống thị trường hiện đại, các hoạt động kinh doanh phải diễn ra một cách độc lập và với sự cạnh tranh bình đẳng, trong khi người tiêu dùng phải được tự do lựa chọn và chi tiêu.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết dỡ bỏ các rào cản trên thị trường, nâng cao hiệu quả cũng như sự công bằng trong phân bổ nguồn lực, đồng thời đưa ra những quy định thị trường minh bạch, cởi mở và bình đẳng, cải thiện cơ chế giá cả thị trường.

Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu rõ rằng lĩnh vực tư nhân sẽ được đối xử công bằng như các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Thông cáo chung nêu rõ cả hai lĩnh vực công và tư đều là những bộ phận hợp thành quan trọng của một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đồng thời là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trước khi thông cáo được đưa ra, rất nhiều người đã hy vọng về các cuộc cải cách cụ thể đối với các doanh nghiệp nhà nước và các thể chế tài chính sau những cam kết liên tục được các cố vấn của các cơ quan nghiên cứu thuộc Chính phủ Trung Quốc đưa ra về kiểm soát tình trạng độc quyền và thực hiện một sân chơi bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân.

Nghị quyết của hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống tài chính hiện đại nhằm hỗ trợ sáng kiến của chính quyền trung ương và địa phương, cải thiện các hệ thống thuế và quản lý ngân sách cũng như hệ thống pháp luật liên quan, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chính phủ.

Tuy nhiên, thông cáo chung không nêu rõ về tầm quan trọng tổng thể của các cuộc cải cách tài chính, chỉ đề cập đến mục tiêu cải thiện và hoàn thiện hệ thống tài chính.

Tiếp tục con đường cải cách và phát triển đất nước

Hội nghị Trung ương 3 là kỳ họp thứ 3 của các tân lãnh đạo Trung Quốc, thường được tổ chức một năm sau khi đội ngũ lãnh đạo mới nhậm chức và đủ thời gian để xác lập quyền lực. Các kỳ Hội nghị Trung ương 3 trước đã có những ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của Trung Quốc. Trong kỳ họp 1978, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố mở cửa kinh tế Trung Quốc, hướng tới cải theo khuynh hướng kinh tế thị trường.

Vào kỳ họp 1993, Thủ tướng Chu Dung Cơ công bố “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và giải tán phần lớn các doanh nghiệp thuộc khối quốc doanh Trung Quốc.

Sở dĩ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII được quan tâm chú ý là có ba lý do. Một là 7 kỳ Hội nghị Trung ương 3 trong 35 năm qua đều lấy việc cải cách kinh tế làm chủ đề và hội nghị lần này cũng không là ngoại lệ.

Hai là tại Hội nghị Trung ương 3 lần này, thế giới bên ngoài rất kỳ vọng vào việc ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc có thể đưa ra được chế độ chính trị và kinh tế hiện đại, tiến cùng thời đại.

Ba là, ở Trung Quốc gần như đã hình thành thông lệ cứ 10 năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản lại đưa ra một quyết định cải cách quan trọng. Cụ thể là Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI năm 2003 thông qua “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề liên quan tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa,” Hội nghị Trung ương 3 khóa XV năm 1993 thông qua “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề liên quan tới việc xây dựng thế giới kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,” đề ra khung cơ bản của kinh tế thị trường.

Hội nghị Trung ương 3 năm nay diễn ra một năm sau khi thế hệ lãnh đạo khóa mới Trung Quốc lên nắm quyền. Trong thời gian đó, lãnh đạo nước này đã đưa ra không ít chính sách, thể hiện quan điểm, đường lối lãnh đạo mới.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã lần lượt ban hành một loạt biện pháp cải cách mới. Từ ngày 1/8, tạm miễn thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp 6 triệu doanh nghiệp loại này được hưởng lợi, được giảm gần 30 tỷ Nhân dân tệ tiền thuế mỗi năm.

Cũng từ ngày 1/8, Trung Quốc mở rộng phạm vi thí điểm về thuế giá trị gia tăng thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó cả năm sẽ giảm thuế khoảng 120 tỷ Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, Khu mậu dịch tự do Thượng Hải - khu thí điểm thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc - cũng chính thức thành lập, phát huy vai trò dẫn dắt trong phát triển nền kinh tế mở của Trung Quốc.

Hội nghị Trung ương 3 lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều điểm mới, việc khởi động đợt cải cách mới, có tính triệt để đang ngày càng trở nên cấp bách.

Đất nước Trung Quốc hiện đang ở vào một thời điểm quan trọng trong việc đưa nền kinh tế đi trên một con đường phát triển bền vững. Ban lãnh đạo Trung Quốc do đó không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải theo đuổi các cuộc cải cách táo bạo.

Diễn ra vào giai đoạn “bản lề” của công cuộc cải cách ở Trung Quốc nên sứ mệnh của hội nghị lần này là nghiên cứu cải cách sâu sắc toàn diện và làm thế nào để lộ trình cải cách tổng thể đáp ứng được mong đợi của người dân Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Cải cách sâu sắc và tăng cường sinh lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội là tiền đề để Trung Quốc tiếp tục đi lên, tiến tới thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế, xã hội một cách toàn diện./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục