'Trung Quốc và Ấn Độ quyết định tương lai của châu Á'

Theo globaltimes, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ “dẫn dắt” sự tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2020. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, cả hai nền kinh tế này đang phải đối mặt với áp lực giảm tốc.
'Trung Quốc và Ấn Độ quyết định tương lai của châu Á' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: globaltimes.cn)

Trang mạng globaltimes đưa tin nền kinh tế Ấn Độ sẽ có xu hướng “hạ cánh cứng”? Câu trả lời cho câu hỏi này, ở một chừng mực nào đó, sẽ xác định xu thế của nền kinh tế quy mô lớn này ở châu Á trong năm tới.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cùng nhau đóng góp một phần đáng kể cho hoạt động kinh tế của châu Á.

Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong quý 3/2019 với tốc độ nhanh hơn, ước tính 1,8%, song còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế của nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới.

[Mỹ đạt thỏa thuận thương mại có giới hạn với Trung Quốc]

Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát nghiêm trọng và tăng trưởng chậm. Thật khó để kỳ vọng Nhật Bản trở thành “đầu tàu” trong sự tăng trưởng của châu Á trong năm tới.

Ấn Độ đã nổi lên như một siêu cường kinh tế của châu Á trong vài năm qua. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ “dẫn dắt” sự tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2020.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, cả hai nền kinh tế này đang phải đối mặt với áp lực giảm tốc.

Một vài nhà quan sát dự báo tăng tưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 6% trong năm tới.

Thậm chí, trong trường hợp kịch bản này trở thành hiện thực, Trung Quốc vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng GDP của châu Á trong tương lai gần. Con số 6% chỉ đánh dấu về mặt tâm lý chứ không có ý nghĩa thực tiễn.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% hoặc 5,9% cũng không tạo ra sự khác biệt lớn cho nền kinh tế châu Á.

Sự không chắc chắn lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á sẽ đến từ Ấn Độ. Nền kinh tế này đang đối mặt với nguy cơ “hạ cánh cứng.”

Tăng trưởng GDP hằng năm của Ấn Độ đã giảm xuống mức đáng kể 4,5% trong quý 3/2019.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Nền kinh tế của nước này đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất kể từ khi Narendra Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014.

Nếu nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng chậm, niềm tin của thị trường vào sự quản trị của Thủ tướng Modi sẽ được thử nghiệm. Nhiệm vụ khẩn cấp nhất của chính phủ Modi là kiềm chế sự giảm tốc và khôi phục niềm tin của thị trường.

Theo Hãng tin PTI của Ấn Độ, Bộ trưởng Liên minh Dharmendra Pradhan cho biết sự suy thoái kinh tế gần đây là “nhất thời” do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.

Cuộc chiến thương mại thực sự có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của Ấn Độ, tuy nhiên New Delhi cần phải nhìn sâu vào tận gốc rễ của vấn đề, thay vì đổ lỗi cho tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính phủ theo chủ trương cải cách của Thủ tướng Modi đã làm rất tốt trong những năm gần đây trong việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế.

Hy vọng "phép màu kinh tế Modi" có thể được duy trì trong những năm tới, nếu không nền kinh tế châu Á có thể đi vào con đường gập ghềnh trong năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục