Trung Quốc và Ấn Độ nỗ lực đàm phán giảm căng thẳng biên giới

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong.
Trung Quốc và Ấn Độ nỗ lực đàm phán giảm căng thẳng biên giới ảnh 1Khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng tin Pháp AFP ngày 10/6, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được sự đồng thuận tích cực với Ấn Độ trong việc giải quyết căng thẳng biên giới giữa hai nước.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh xác nhận sau các cuộc trao đổi hiệu quả qua các kênh ngoại giao và quân sự, hai nước đã được sự đồng thuận tích cực trong vấn đề biên giới.

Người phát ngôn này nêu rõ cả hai bên đang có những hành động phù hợp nhằm giảm nhẹ tình hình căng thẳng tại biên giới dựa trên sự đồng thuận này.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn các quan chức Chính phủ Ấn Độ khẳng định các chỉ huy quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong cuộc đàm phán ngày 10/6 nhằm xoa dịu căng thẳng dọc khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở phía Tây dãy Himalaya.

[Những nhân tố "đổ thêm dầu" vào "ngọn lửa căng thẳng" Trung-Ấn]

Theo một quan chức Ấn Độ, tình hình đã lắng dịu sau nhiều tuần căng thẳng. Quân đội hai nước đã rút bớt lực lượng nhằm thể hiện tín hiệu tích cực, song nhiều binh sỹ, xe tăng và xe bọc thép khác vẫn được triển khai ở khu vực này.

Nguồn tin cũng nêu rõ sẽ có thêm các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề trong những ngày tới, thậm chí có khả năng kéo dài hàng tuần.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong. Đây là cuộc đụng độ lớn đầu tiên dọc Ranh giới kiểm soát (LAC) kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam năm 2017.

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sỹ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sỹ đến vùng Ladakh trên dãy Himalaya để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC hiện được coi là biên giới với Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục