Trung Quốc trưng bày nhiều thiết bị hiện đại tại Triển lãm hàng không Chu Hải

Trung Quốc đã đặt mục tiêu thâm nhập thị trường máy bay thương mại chở khách thông qua đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu, tự phát triển dòng máy bay phản lực thân rộng.

Các mẫu máy bay thương mại của COMAC. (Nguồn: SCMP)
Các mẫu máy bay thương mại của COMAC. (Nguồn: SCMP)

Triển lãm Hàng không Chu Hải, triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc, lần thứ 15 đã chính thức khai mạc ngày 12/11.

Triển lãm năm nay mang đến nhiều loại máy bay quân sự và dân dụng, cùng tàu vũ trụ hiện đại.

Ngay trong ngày khai mạc, hãng hàng không Air China đã ký kết với Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thỏa thuận khung về việc mua bán dòng máy bay thân rộng C929 do COMAC chế tạo.

Như vậy, Air China sẽ là hãng hàng không đầu tiên sử dụng loại máy bay, có sức chứa 280 chỗ ngồi, cùng tầm hoạt động 12.000km, đủ khả năng bay thẳng từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đến New York (Mỹ), tương đương với dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner.

Dòng máy bay này ban đầu có tên CR929 nhưng đã được Trung Quốc đổi thành C929 vào năm 2023 sau khi Nga quyết định rút khỏi liên doanh Nga-Trung.

Tháng 2 vừa qua, COMAC cũng lựa chọn nhà sản xuất trong nước là Huarui Aero chế tạo thân vỏ máy bay C929. Huarui Aero tiết lộ phần thân máy bay sẽ được giao cho COMAC trước ngày 1/9/2027.

Cũng tại triển lãm hàng không Chu Hải, COMAC thông báo hãng hàng không Hainan Airlines đã đặt mua 60 máy bay thân hẹp C919 và 40 máy bay C909 (trước có tên là ARJ21) của tập đoàn này. Trong khi đó, hãng hàng không Colorful Guizhou Airlines ký hợp đồng mua 30 chiếc C909.

C919 là dòng máy bay chở khách lớn do Trung Quốc tự phát triển, đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5/2023, đánh dấu sự gia nhập chính thức của Trung Quốc vào thị trường hàng không dân dụng.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu thâm nhập thị trường máy bay thương mại chở khách - vốn đang do 2 tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus “thống trị,” thông qua đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu, tự phát triển dòng máy bay phản lực thân rộng.

Cũng tại triển lãm, Trung Quốc còn thể hiện năng lực trong ngành vũ trụ, với việc giới thiệu mô hình tàu con thoi chở hàng tái sử dụng Haoloong. Đây là tàu vũ trụ thương mại, chuyên đảm nhiệm vai trò vận chuyển hàng hóa ngoài không gian.

Mẫu tàu này có sải cánh lớn, được thiết kế và phát triển độc lập bởi Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.

Tàu Haoloong hướng đến việc thiết lập một hệ thống vận chuyển hàng hóa an toàn, đáng tin cậy, đa dạng và hiệu quả giữa Trái Đất và các trạm ngoài không gian.

So với các phương tiện truyền thống, khả năng tái sử dụng của tàu Haolong được kỳ vọng sẽ giúp giảm thêm chi phí vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ. Trước mắt, con tàu sẽ phục vụ cho Trạm vũ trụ Thiên Cung.

Ngoài ra, Trung Quốc còn mang đến triển lãm nhiều máy bay quân sự hiện đại, thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng, trong đó có máy chiến đấu tàng hình J-35A cơ động cao, máy bay không người lái SS-UAV, máy bay J-20./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục