Theo trang mạng eurasiareview.com, các nhà lãnh đạo của Nhóm Bộ tứ đã nhóm họp tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản hôm 24/5, trong đó tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng và các hành động quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là chủ đề chính chi phối hội nghị thượng đỉnh của nhóm.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo của Nhóm Bộ tứ đã công bố một sáng kiến hàng hải mới, được cho là để giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ khẳng định hội nghị lần này nhằm “làm mới cam kết nhất quán của nhóm đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có tính bao trùm và kiên cường."
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định “quyết tâm của nhóm nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó các quốc gia không phải chịu bất kỳ hình thức cưỡng ép nào về quân sự, kinh tế hay chính trị.”
Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng tuyên bố nêu rõ các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ phản đối “việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, việc sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển và nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác" - đây là những hoạt động mà các nước cáo buộc Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chia sẻ với đài RFA, John Blaxland, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, nhận định: “Mặc dù không công khai nêu rõ, nhưng các thành viên Nhóm Bộ tứ đều ngầm thừa nhận rằng lý do nhóm tồn tại là vì tất cả 4 nước thành viên đều lo ngại trước sự bành trướng và hung hăng của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.”
[Nhóm Bộ Tứ ủng hộ sự đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN]
Ông Blaxland phân tích thêm: “Bằng việc không công khai lý do tồn tại của Nhóm Bộ tứ, các thành viên hy vọng sẽ dành dư địa cho các quốc gia khác trong khu vực tiếp tục tham gia một cách mang tính xây dựng vào các vấn đề an ninh với các thành viên của nhóm.”
Bốn nhà lãnh đạo đã công bố sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA), được cho là sẽ hỗ trợ các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giám sát vùng biển của họ, không chỉ để ứng phó với thảm họa thiên nhiên và nhân đạo mà còn ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, ám chỉ hành động hung hăng của Trung Quốc trên các vùng biển và đại dương trong khu vực.
Chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ về vấn đề Đài Loan
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết sáng kiến IPMDA sẽ cho phép theo dõi hoạt động vận chuyển “chui” (bất hợp pháp) và các hoạt động khác mang tính chiến thuật. Thông cáo có đoạn: “Sáng kiến này sẽ chuyển đổi năng lực của các đối tác ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương nhằm giám sát hoàn toàn vùng biển ngoài khơi và từ đó giúp duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Khi được hỏi về tuyên bố của Nhóm Bộ tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Bắc Kinh “tích cực duy trì hệ thống quốc tế, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm và trật tự quốc tế được củng cố bởi luật pháp quốc tế,” đồng thời ông cũng đưa ra những chỉ trích.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 24/5, ông Uông Vân Bân cho biết: “Chúng tôi hy vọng một số quốc gia sẽ không nhìn Trung Quốc qua cặp kính mờ và đưa ra những cáo buộc không có cơ sở. Việc hình thành các nhóm nhỏ và kích động đối đầu giữa các khối thực sự là mối đe dọa đối với một trật tự hàng hải hòa bình, ổn định và hợp tác.”
Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bộ tứ diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và khiến Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích khi ông tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm chiến hòn đảo này. Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 24/5, ông Biden cho rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ đối với Đài Loan, nghĩa là Mỹ thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” nhưng hỗ trợ và cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan một cách không chính thức.
Trung Quốc coi hòn đảo dân chủ này là một tỉnh ly khai và cam kết sẽ “thống nhất” Đài Loan với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Washington đã "công khai hoặc lén lút kích động và ủng hộ các hoạt động đòi ly khai của phong trào 'Đài Loan độc lập'" và cảnh báo Mỹ dừng ngay hoạt động này. Ông nêu rõ: “Nếu Mỹ tiếp tục đi theo con đường sai lầm, việc này sẽ dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn đối với mối quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ sẽ phải trả một cái giá rất đắt.”
Trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ, Tổng thống Biden tuyên bố hội nghị này là về "các nền dân chủ đối đầu với những chế độ chuyên quyền, và chúng ta phải đảm bảo thực hiện những gì chúng ta đã cam kết."
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ cũng đã thảo luận về tình hình chiến sự ở Ukraine, vấn đề mà ông Biden cho rằng đã trở thành "một vấn đề toàn cầu" và Thủ tướng Nhật Bản quả quyết một cuộc xâm lược tương tự không được phép xảy ra ở châu Á.
Sự ra mắt của tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese
Không đề cập đến Nga vì Ấn Độ - một thành viên của Nhóm Bộ tứ - cho đến nay vẫn từ chối lên án Moskva, 4 nhà lãnh đạo đã “nhắc lại quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực” trong bối cảnh tồn tại nhiều thách thức toàn cầu.
Đây là hội nghị lần thứ 4 giữa các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ, song là cuộc gặp mặt trực tiếp thứ 2 do đại dịch COVID-19. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese tham dự sau khi ông mới tuyên thệ nhậm chức một ngày trước đó.
Australia đã đặc biệt lo sợ trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở các đảo khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ký một hiệp ước an ninh gây tranh cãi với Quần đảo Solomon, cho phép Trung Quốc triển khai quân đội ở khu vực được cho là “sân sau” của Australia.
Giáo sư Blaxland từ Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Tân Thủ tướng Albanese đã nêu rõ rằng ông có cùng quan điểm với chính phủ tiền nhiệm trong việc lựa chọn các chính sách an ninh rộng mở. Sự khác biệt nằm ở giọng điệu, có lẽ Albanese sẽ có những phát biểu mềm mỏng hơn."
Blaxland nói thêm: “Sự khác biệt cũng được thể hiện trong nội dung chính sách về môi trường. Việc xoa dịu những lo ngại của các quốc đảo nhỏ khu vực Thái Bình Dương hiện được coi là một vấn đề đặc biệt quan trọng”./.