Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm tiềm năng của Việt Nam

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm đạt gần 283 triệu USD, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm tiềm năng của Việt Nam ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm đạt gần 283 triệu USD, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong cả năm 2017 sẽ tiếp tục tăng, vì đây được coi là thị trường trọng tâm của nhiều doanh nghiệp tôm lớn của Việt Nam.

Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, xuất khẩu thủy sản đặc biệt là tôm sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng.

[Ngành tôm xuất khẩu có nguy cơ “bỏ trống” thị trường 800 triệu USD]

Đại diện VASEP cho biết, Trung Quốc nhập khẩu tôm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa mà còn chế biến xuất khẩu sang các nước khác nên xu hướng nhập khẩu cũng tăng, giảm phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính trên thế giới.

Nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng tăng, do sản lượng tôm nuôi trong nước dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này.

Tuy vậy, VASEP cũng cho rằng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc phải đối mặt với một số khó khăn, như thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu muốn xuất khẩu vào nước này thì nhà máy chế biến phải có mã số (code) vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.

Mặc dù sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đang bắt đầu đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU. Vì thế, các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt chất lượng để khai thác bền vững thị trường này.

Như vậy, sau khi xuất khẩu vào một số thị trường chính như EU, Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá cao, rào cản kỹ thuật tăng, truyền thông nước ngoài bôi nhọ… Trung Quốc được xem là thị trường thay thế tiềm năng của xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ tư của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục