Ngày 5/2, Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc- ASEAN (China-ASEAN Business Council, CABC) và các hiệp hội doanh nghiệp của Trung Quốc phối hợp triển khai Sáng kiến Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc cùng thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), phản ánh mong mỏi thúc đẩy hơn nữa hợp tác hữu nghị trong cộng đồng doanh nghiệp khu vực.
Theo CABC, Chủ tịch điều hành CABC Xu Ningning cho biết trong vòng 2 tháng qua, sau khi ký kết RCEP, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên kế hoạch đẩy mạnh các công việc trong nước để triển khai hiệu quả RCEP trong 3 cuộc họp của chính phủ.
Với việc triển khai sáng kiến trên, cộng đồng công nghiệp và thương mại Trung Quốc không chỉ cho thấy phản ứng chủ động trong triển khai những yêu cầu từ chính phủ mà còn gửi đi thông điệp tích cực tới các đối tác tại các nước thành viên RCEP về tăng cường hợp tác rộng mở.
[Sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm]
Sáng kiến trên nhấn mạnh các cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia thành viên RCEP hiểu rõ tầm quan trọng của hiệp định. Qua đó, các cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận những cơ hội phát triển bằng cách thúc đẩy hợp tác công nghiệp, mở rộng thương mại và đầu tư, tận dụng điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, cũng như giải phóng tiềm năng của các doanh nghiệp như những nhân tố chính trong hợp tác kinh tế và thương mại, với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác chống lại những tác động của đại dịch COVID-19.
RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Sau hàng chục vòng đàm phán và thảo luận kéo dài 8 năm, hiệp định được ký ngày 15/11/2020 tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 4, diễn ra trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 12-15/11/2020, do Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới thêm 1,4%./.