Trung Quốc sẽ cải thiện chính sách hỗ trợ gia tăng tỷ lệ sinh, đồng thời hỗ trợ người cao tuổi bằng cách tăng mức lương hưu cơ bản và phúc lợi xã hội.
Đây là một phần nội dung của các báo cáo được công bố tại Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV diễn ra vào sáng 5/3 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch năm 2024, dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia năm 2024, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, chẳng hạn như hoàn thiện hơn nữa chính sách về chế độ nghỉ phép của cha mẹ, cải thiện cơ chế chia sẻ với chủ doanh nghiệp các chi phí liên quan đến người lao động và phát triển hơn nữa các dịch vụ chăm sóc trẻ.
Theo ông Lý Cường, Trung Quốc sẽ nỗ lực hướng đến việc thiết lập môi trường sinh và nuôi dạy con "thân thiện" để thúc đẩy tỷ lệ sinh, đảm bảo sự cân bằng giới tính và giảm chi phí sinh, chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục.
Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược quốc gia để đối phó thách thức liên quan đến tình trạng dân số già. Mức lương hưu cơ bản sẽ tiếp tục tăng, điều chỉnh tăng trợ cấp cơ bản tối thiểu đối với người cao tuổi. Chính phủ sẽ triển khai hệ thống hưu trí tư nhân trên toàn quốc, coi đây là "trụ cột thứ ba" trong hệ thống hưu trí của nước này.
Hai hệ thống cơ bản đang hoạt động hiện nay dựa trên trụ cột thứ nhất là quỹ lương hưu trí do Nhà nước trợ cấp và trụ cột thứ hai là quỹ do chủ sở dụng lao động đóng góp theo mức nhất định hằng năm.
Báo cáo tại kỳ họp cũng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển mô hình "kinh tế bạc" - dựa vào lực lượng người cao tuổi đang phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới.
Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh dân số Trung Quốc tính đến cuối năm 2023 giảm nhanh trong năm thứ 2 liên tiếp, với số ca sinh giảm mạnh xuống mức chỉ tương đương 50% tổng ca sinh trong năm 2016. Trong khi đó, số người kết hôn giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2022.
Năm 2016, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình có một con - áp dụng từ những năm 1980 trong bối cảnh lo ngại về dân số quá đông. Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ 3. Tuy vậy, các biện pháp chính sách này chưa cải thiện được tình trạng suy giảm nhân khẩu học.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh giảm là do chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động và theo đuổi giáo dục đại học ngày càng tăng./.
Những lý do vì sao phụ nữ Trung Quốc ngày càng ngại sinh con
Trong khi chính phủ Trung Quốc khuyến khích tăng tỷ lệ sinh nhằm ngăn khủng hoảng nhân khẩu, nhiều phụ nữ tại nước này lựa chọn không sinh con để tập trung công việc và tận hưởng cuộc sống.