Trung Quốc trấn áp các hoạt động buôn bán động vật hoang dã

Từ hồi cuối tháng Một, chính quyền Trung Quốc đã thông báo cấm buôn bán động vật hoang dã trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV, vốn bị nghi là có liên quan đến động vật hoang dã.
Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona chủng mới tại một nhà ga ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 2/2/2020. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona chủng mới tại một nhà ga ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 2/2/2020. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Ngày 10/2, Trung Quốc đã phát động chiến dịch hỗn hợp nhằm trấn áp các hành động vi phạm lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, trong nỗ lực nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.

Chiến dịch trên sẽ do các cơ quan của chính phủ về quản lý thị trường, công an, nông nghiệp, hải quan, kiểm lâm phối hợp thực hiện.

Hồi cuối tháng Một, chính quyền Trung Quốc đã thông báo cấm buôn bán động vật hoang dã trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV, vốn bị nghi là có liên quan đến động vật hoang dã.

Mọi hình thức buôn bán động vật hoang dã bị cấm nghiêm ngặt tại các khu chợ, siêu thị, nhà hàng và các trang thương mại điện tử.

[Tê tê nhiều khả năng là vật chủ trung gian truyền bệnh nCoV]

Tất cả các điểm bày bán động vật hoang dã sẽ bị cách ly kiểm dịch. Những đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt, và đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, các nghi can sẽ được giao cho cảnh sát điều tra hình sự.

Nỗ lực trên được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã ghi nhận 40.171 ca nhiễm bệnh tại Đại lục, trong đó 908 ca tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc đã thiết lập 361 đường dây nóng hỗ trợ tâm lý để cung cấp các hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.

Cùng ngày, Hiệp hội các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc cho biết hơn 200 công ty nước ngoài tại Trung Quốc đã quyên góp tiền mặt và hiện vật trị giá 1,32 tỷ nhân dân tệ (189 triệu USD) cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc.

Trong số các công ty trên, có tập đoàn Siemens, Microsoft, Mercedez-Benz và Deloitte...

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, các công ty còn cung cấp thực phẩm, nước uống, và nhiều nhu yếu phẩm hằng ngày khác, cũng như khẩu trang, thuốc khử trùng, các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, thiết bị xét nghiệm gene... cho các địa phương có dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục