Theo trang mạng tagesspiegel, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Iran để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ dồi dào từ quốc gia này.
Chính phủ Iran tin rằng họ đã tìm ra cách để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến các lệnh trừng phạt này không còn giá trị. Tehran đang cùng Bắc Kinh xây dựng một thỏa thuận hợp tác lớn, mang tính bước ngoặt, một thỏa thuận sẽ mang lại 400 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc vào nước Cộng hòa Hồi giáo này trong vòng 25 năm tới.
Đổi lại, Iran sẽ cung cấp cho Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - một khối lượng dầu thô rất lớn với giá phải chăng.
Thỏa thuận này sẽ là một trở ngại lớn cho những nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Iran và nền kinh tế của nước này phải khuất phục. Tuy nhiên ở Iran, hợp đồng này đang vấp phải không ít tranh cãi.
Những người phản đối đã cáo buộc chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani cố tình bán tống bán tháo các lợi ích của quốc gia.
Thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường mở rộng vai trò, vị thế của mình ở Trung Đông. Một mặt, Bắc Kinh muốn đảm bảo nguồn cung dầu mỏ vững chắc cho nền kinh tế; mặt khác, nước này luôn muốn mở rộng ảnh hưởng về mặt chính trị cũng như kinh tế tới khu vực hết sức quan trọng này - nơi mà cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đang dần từ bỏ vai trò và vị thế của mình.
Trong khuôn khổ siêu dự án "Con đường tơ lụa" mới, Trung Quốc muốn mở ra càng nhiều thị trường mới trong khu vực càng tốt. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung Quốc đã cam kết cho các quốc gia Trung Đông vay tới 20 tỷ USD.
[Trung Quốc đang từ từ tiến vào khu vực Trung Đông]
Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Trung Đông ở Mỹ, 5 trong số 10 công ty công nghệ thành công nhất ở Trung Đông là các công ty Trung Quốc.
Gần 100 dự án chung đã được lên kế hoạch
Dự thảo về thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc vượt trội hẳn so với tất cả các bước đi trước đó của Trung Quốc tại Trung Đông. Theo Ngoại trưởng Iran Javad Sarif, ý tưởng cho việc hợp tác này đã xuất hiện từ 4 năm trước, trong một chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Teheran.
Theo thông tin gần đây từ báo New York Times, thỏa thuận hợp tác này đã gần hoàn thành. Khoảng 100 dự án chung giữa hai nước đã được lê kế hoạch, bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, hệ thống tàu cao tốc và tàu điện ngầm, xây dựng mạng di động thế hệ mới (5G) hay thiết lập các khu vực thương mại tự do....
Những khoản đầu tư này sẽ đảm bảo sự phát triển kinh tế Iran trong vòng 25 năm tới. Về phía Trung Quốc, nước này rất cần dầu mỏ từ Trung Đông để có thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của nền kinh tế.
Với lượng nhập khẩu khoảng trên 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày (mỗi thùng có dung tích 159 lít), Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhiều hơn bất cứ nền kinh tế nào khác.
Dầu nhiều nhưng xuất khẩu ít
Cộng hòa Hồi giáo Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, nhưng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, thời gian qua nước này hầu như không thể xuất khẩu dầu.
Trước khi bị Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, mỗi ngày Iran xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu, tuy nhiên con số này hiện nay cao nhất chỉ ở mức 200.000 thùng dầu mỗi ngày.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn tuân thủ lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt với Iran. Liệu thỏa thuận hợp tác với Iran có làm thay đổi lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này hay không vẫn là câu hỏi đang chờ câu trả lời.
Trung Quốc vẫn nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp không chỉ với Iran mà còn với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó một số nước, ví dụ như Saudi Arabia, là đối thủ của Iran.
Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo cấp cao tại Iran, Trung Quốc có thể là vị cứu tinh của nước này trong tình hình hiện nay.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã giáng thêm những đòn đánh mạnh vào nền kinh tế nước này - nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn tham nhũng và những sai lầm trong công tác quản lý, điều hành.
Hy vọng của Tehran vào việc châu Âu sẽ bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ để tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với nước này, hầu như không có khả năng xảy ra trong thực tế.
Các cuộc biểu tình lớn của dân chúng và một loạt hành động nghi phá hoại nhằm vào lĩnh vực hạt nhân cũng như các cơ sở quân sự, nhà máy công nghiệp của nước này, đã làm rung chuyển đất nước và chế độ độc tài ở Iran.
Đó là lý do thúc đẩy chính phủ Iran tăng cường hợp tác với Trung Quốc và quyết tâm đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá với nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Sarif gần đây đã nhấn mạnh tại Ủy ban đối ngoại Quốc hội Iran, rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích lớn cho Iran.
Tuy nhiên, thỏa thuận này vấp phải nhiều chỉ trích từ một số chính trị gia ở Iran. Cựu Tổng thống Mahmoud Ahmandinejad- người được cho là có tham vọng tiếp tục trở lại tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm tới, đã gọi đây là một thỏa thuận bí mật nhằm bán các tài nguyên của đất nước cho nước ngoài sau lưng người dân Iran.
Fathollah-Nejad, một chuyên gia tại trường Đại học Tuebingen (Đức), nói rằng rất nhiều người Iran lo ngại giới lãnh đạo nước này mong muốn với sự giúp sức của Trung Quốc, họ sẽ giữ vững được quyền lãnh đạo của mình và sẽ chấp nhận bán rẻ lợi ích quốc gia của Iran.
Sự chỉ trích cũng đến từ những người Iran có quan điểm cứng rắn, rằng không thể coi Trung Quốc là đối tác hợp tác vô tư, hoàn toàn không có vấn đề gì./.