Trong tháng 11 vừa qua, hoạt động kinh tế của Trung Quốc tiếp tục duy trì đà phục hồi kể từ tháng Chín năm nay, nhờ động lực đổi mới mạnh mẽ hơn và các sản phẩm như xe ôtô năng lượng mới, robot công nghiệp, mạch tích hợp tăng trưởng nhanh chóng.
Một trong những dấu hiệu tích cực là tiêu dùng tăng trưởng ổn định. Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với việc thị trường tiêu dùng đang trên đà phục hồi.
Bên cạnh đó, tổng sản lượng lương thực Trung Quốc năm nay đạt 706,5 triệu tấn, lần đầu tiên vượt mốc 700 triệu tấn; tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, ngành chế tạo trang thiết bị và ngành chế tạo công nghệ cao có mức tăng trưởng khá nhanh; xuất nhập khẩu hàng hóa giữ được đà tăng trưởng, cơ cấu thương mại tiếp tục được tối ưu hóa. Tình hình việc làm nhìn chung ổn định, khi tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị không thay đổi so với tháng trước.
Ông Vương Hiếu Tùng, Giáo sư Học viện Kinh tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã chỉ ra một số nguyên nhân giúp kinh tế Trung Quốc vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành quả.
Một là do nền kinh tế Trung Quốc có nền tảng vững chắc, có nhiều ưu thế, tiềm năng lớn, điều kiện hỗ trợ và xu thế cơ bản phát triển theo hướng tốt trong thời gian dài; mặt khác, tác động kết hợp giữa các chính sách hiện hành và chính sách mới tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo thêm nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động của nền kinh tế.
Ngoài ra, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy phát triển chất lượng cao, làm sâu sắc hơn cơ chế hợp tác BRICS, mở rộng hơn nữa nhóm bạn bè kinh tế-thương mại.
Hàng loạt tín hiệu tích cực giúp Trung Quốc lạc quan vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, giúp nước này phát huy vai trò là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế thế giới./.
Trung Quốc xác định mục tiêu kinh tế hàng đầu năm 2025
Trong năm 2025, Trung Quốc xác định mục tiêu hàng đầu là đẩy mạnh nâng cao tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước.