Trung Quốc thúc đẩy thế mạnh đất hiếm để giành lợi thế trước Mỹ

Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho biết Trung Quốc cung cấp hơn 85% đất hiếm của thế giới và cung cấp khoảng 2/3 kim loại và khoáng sản quý hiếm cho toàn cầu.
Trung Quốc thúc đẩy thế mạnh đất hiếm để giành lợi thế trước Mỹ ảnh 1Một chiếc máy chiết xuất vật liệu đất hiếm tại mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo trang mạng globaltimes.cn/Sputnik, Trung Quốc đã nâng hạn ngạch khai thác lô đất hiếm lần đầu tiên trong năm 2022 tăng thêm 20% so với mức khai thác lô đất hiếm đầu tiên trong năm 2021.

Tương tự, hạn ngạch nấu chảy và phân tách kim loại cũng tăng lên. Có thông tin cho rằng những hạn ngạch này sẽ được phân bổ cho 4 nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất ở Trung Quốc.

Điều đáng lưu ý là động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về lĩnh vực đất hiếm ngày càng căng thẳng.

Theo mức tăng này, lô đất hiếm đầu tiên mà Trung Quốc khai thác cần đạt 100.800 tấn. Ngoài ra, hạn ngạch để nấu chảy và phân tách kim loại được đặt ở mức 97.200 tấn cho năm 2022.

Trong quý 1/2021, Trung Quốc đặt hạn ngạch cho hai chỉ số trên lần lượt là 84.000 tấn và 81.000 tấn.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn giới chuyên gia trong ngành giải thích rằng việc tăng hạn ngạch 20% trong năm nay chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng đối với nam châm neodymium (hay còn được gọi là nam châm Nd-FeB).

Loại nam châm này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất tuabin gió, ôtô chạy bằng năng lượng mới và biến áp điện tiêu dùng. Như vậy, việc tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng “xanh," phát triển hình thức vận tải điện ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng đất hiếm.

Nói chung, nếu không có kim loại đất hiếm - một nhóm các nguyên tố hóa học sử dụng trong hợp kim để tạo ra vật liệu mới - thì không thể hình dung được toàn bộ ngành công nghệ hiện đại.

Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất kim loại đất hiếm hàng đầu

Theo đánh giá của đài Sputnik, Trung Quốc vẫn giữ được vị thế này vì sở hữa nhiều mỏ đất hiếm có quy mô khá lớn theo tiêu chuẩn thế giới.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho biết Trung Quốc cung cấp hơn 85% đất hiếm của thế giới và cung cấp khoảng 2/3 kim loại và khoáng sản quý hiếm cho toàn cầu.

Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh chủ đạo của Trung Quốc nằm ở việc sở hữu các công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm. Đây là một quá trình phức tạp có liên quan đến rủi ro môi trường. Mặc dù Mỹ từng là nhà cung cấp chính đất hiếm vào cuối thế kỷ XX song cho đến nay ngành công nghiệp này của Mỹ đã bị hạn chế vì những rào cản về công nghệ khai thác.

Lâu nay, Washington vẫn không ngừng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc chiếm vị trí gần như độc quyền trên thị trường kim loại đất hiếm, đồng thời kêu gọi tạo ra các chuỗi sản xuất thay thế cho chuỗi sản xuất mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, trong những tháng qua, chính quyền Mỹ Joe Biden đã thổi phồng "những rủi ro mà mối đe dọa về đất hiếm của Trung Quốc gây ra đối với các chuỗi cung ứng của Mỹ." Mặc dù vậy, Trung Quốc tỏ rõ mình là đối tác đáng tin cậy.

Theo Mei Xinyu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh đang tăng hạn ngạch khai thác và chế biến đất hiếm theo nhu cầu ngày càng tăng của thế giới đối với các sản phẩm này.

Năm 2021, Ủy ban Kiểm soát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc thông qua một thỏa thuận hợp nhất 3 công ty khai thác đất hiếm. Trong khuôn khổ mới này, tập đoàn mang tên China Rare Earth Group Co quy tụ 3 trong số 6 nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, hiện nay nhóm này chiếm hơn 1/3 số hạn ngạch được phân bổ. Trong liên doanh, Ủy ban Kiểm soát và Quản lý tài sản Nhà nước sở hữu 31,21%.

Như vậy, theo kế hoạch của chính quyền Trung Quốc, việc khai thác và chế biến kim loại đất hiếm sẽ trở nên tinh gọn hơn, ngành công nghiệp này sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên.

Về vấn đề này, mối quan tâm từ phía Washington là điều dễ hiểu. Khi một ngành được hợp nhất, công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn. Do Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược nên Washington lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm làm phương tiện gây áp lực với Mỹ.
Mỹ vẫn phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc
Chính trị và hệ tư tưởng đôi khi đi ngược lại với tính hiệu quả kinh tế và các nguyên tắc thị trường.

[Mỹ và Australia nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm]

Trong những năm qua, quá trình toàn cầu hóa đã đạt đến mức độ khiến các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, trở nên phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ lớn. Chẳng hạn như Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, trong khi Washington phụ thuộc vào Bắc Kinh về đất hiếm.

Trong cả hai trường hợp, các quốc gia đã tích lũy năng lực công nghệ của mình trong nhiều thập kỷ. Tất nhiên, Mỹ có thể cô lập và tẩy chay chuỗi cung ứng đất hiếm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm của Mỹ sẽ cạnh tranh như thế nào lại là một câu hỏi lớn đối với chính quyền Washington.

Trong hai năm qua, Mỹ đã tài trợ không hoàn lại để tái khởi động việc sản xuất kim loại đất hiếm ở nước này. Đặc biệt, các công ty vật liệu đất hiếm của Mỹ như MP Materials Corp, TDA Magnetics Inc, Urban Mining Co và những công ty khác đã nhận được sự giúp đỡ của chính phủ.

Hồi tháng 1/2022, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Tom Cotton và Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Kelly đã đưa ra dự luật cấm các nhà thầu Bộ Quốc phòng Mỹ mua kim loại đất hiếm từ Trung Quốc vào năm 2026.

Tài liệu cho thấy nếu dự luật được thông qua thì ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ chỉ có 4 năm để gạt Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của mình.

Có thông tin cho biết các nhà thầu Mỹ đã tăng cường mua đất hiếm từ Trung Quốc để bổ sung kho dự trữ. Tuy nhiên, ngay cả các thượng nghị sỹ "diều hâu" Mỹ cũng hiểu rõ ý tưởng loại bỏ hoàn toàn đất hiếm của Trung Quốc là sự viển vông. 

Dự luật mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là thực tiễn. Nếu được thông qua, luật này sẽ áp dụng đối với một nhóm rất hẹp các đơn hàng quốc phòng của Mỹ về vũ khí. Tuy nhiên, tài liệu không áp dụng cho nhiều hạng mục mua hàng của Lầu Năm Góc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục