Trung Quốc đã ban hành quy định thử nghiệm cấp phép đưa vào sử dụng cây trồng chỉnh sửa gene với mục tiêu nâng cao năng suất nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
So với biến đổi thực vật về mặt di truyền như cấy ghép gene ngoại lai, chỉnh sửa gene, hoặc điều chỉnh gene của thực vật nhằm thay đổi hoặc cải thiện hiệu suất của cây trồng, hiện được nhiều nhà khoa học đánh giá là ít rủi ro hơn.
Quy định mới được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ban hành tối 24/1 trong bối cảnh nước này đang tiến hành một loạt biện pháp cải cách ngành giống cây trồng, vốn được xem là mắt xích yếu trong nỗ lực đảm bảo lương thực cho quốc gia có dân số đông nhất thế giới.
Trung Quốc mới đây cũng đã thông qua quy định mới mở đường cho việc chấp thuận cây trồng biến đổi gene (GMO).
[Trung Quốc từ chối thực phẩm không đạt tiêu chuẩn của Triều Tiên]
Mặc dù trong nhiều năm qua, Trung Quốc cân nhắc về việc liệu có hay không cho phép trồng cây biến đổi gene làm thức ăn cho người và gia súc, Bắc Kinh đang đi trước nhiều quốc gia trong việc đưa ra quy trình rõ ràng và tương đối nhanh đối với cây trồng chỉnh sửa gene.
Sự chính xác của công nghệ chỉnh sửa gene giúp cây trồng sinh trưởng nhanh hơn so với việc nhân giống thông thường hoặc biến đổi gene, qua đó làm giảm chi phí.
Quy định của Trung Quốc cũng ít chặt chẽ hơn so với một số quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang xem xét cách thức quy định công nghệ này.
Quy định dự thảo của Trung Quốc khẳng định sau khi hoàn tất thử nghiệm thí điểm cây trồng chỉnh sửa gene, các nhà sản xuất có thể nộp đơn xin chứng nhận sản xuất, mà không cần phải tiến hành thử nghiệm thực địa kéo dài cần thiết để phê duyệt như với cây trồng biến đổi gen.
Điều này đồng nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 1 đến 2 năm để nhà sản xuất được phê chuẩn cây trồng chỉnh sửa gene, thay vì 6 năm như với cây trồng biến đổi gene.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu công ty hay cơ quan nghiên cứu nộp đơn xin phê duyệt cây trồng chỉnh sửa gene ở Trung Quốc. Theo truyền thông sở tại, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng công nghệ điều chỉnh gene để tạo ra loại rau diếp giàu vitamin C và lúa kháng thuốc trừ sâu.
Từ cuối năm 2020, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định nước này cần sử dụng khoa học và công nghệ để tạo ra bước ngoặt cấp thiết trong ngành cây giống, vốn quá tải lâu nay và ít đổi mới. Hiện Trung Quốc đang phải nhập khẩu một số lượng lớn cây giống và muốn hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài./.