Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vào tháng trước, nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai do tác động của đại dịch COVID-19.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Kalinga, Tiến sĩ Vijay Sakhuja vừa có bài nhận định về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Báo cáo đánh giá kinh tế toàn cầu gần như không có triển vọng tăng trưởng và tất cả các nền kinh tế lớn sẽ có tăng trưởng đạt mức âm trong ngắn hạn.
Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ “đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ, giảm mạnh từ 6,1% năm 2019 xuống còn 1% năm 2020,” nhưng cũng được dự đoán rằng sẽ “tăng trưởng trở lại, đạt 6,9% vào năm 2021, phục hồi một phần trong tổng nhu cầu toàn cầu.”
[Trung Quốc hướng tới giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19]
Sau gần hai quý đầu năm 2020, Trung Quốc được ghi nhận là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch, “với dự báo rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể tăng trở lại đạt khoảng 5% năm nay trong nửa cuối năm 2020.”
Chắc chắn rằng đây là những dấu hiệu phục hồi tốt và Trung Quốc dường như đã thoát khỏi suy thoái; tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã tác động đến Trung Quốc trên nhiều mặt và làm tổn hại danh tiếng của nước này trong khi Trung Quốc đóng vai trò là một cường quốc đang nổi lên.
Trung Quốc đang gặp phải nhiều thách thức bên ngoài với hàng loạt các vấn đề như danh tiếng, ngoại giao và quan hệ công chúng thiếu hiệu quả, sự mất lòng tin, đặc biệt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Đầu tiên, uy tín của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất do nước này bị cho là không chia sẻ thông tin về nguồn gốc của virus corona.
Virus corona được biết đến là có bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019, nhưng thông tin này bị che giấu và cho tới tháng 1/2020 mới được công bố.
Trong thời gian đó, Trung Quốc vẫn cho phép du khách quốc tế đi và rời Vũ Hán. Đây chính là lý do Vũ Hán trở thành nguồn gốc của đại dịch tại châu Âu và sau đó là tại Mỹ.
Trung Quốc cũng bị cáo buộc rằng đã lôi kéo và tác động Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), làm suy giảm tính minh bạch của tổ chức.
Mỹ đã tuyên bố quyết định rút khỏi WHO với tư cách là thành viên của tổ chức này. Ngoài ra, Washington không ngần ngại công khai buộc tội Trung Quốc là lý do cho đại dịch COVID-19 và yêu cầu Trung Quốc thừa nhận về virus tại các phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Việc này đã dẫn tới dòng tweet của Tổng thống Donald Trump, ông gọi virus corona là “virus Trung Quốc.” Trung Quốc đã đáp trả bằng lời khiển trách đối với Tổng thống Trump, cho rằng ông này đang “kỳ thị Trung Quốc.”
Việc Trung Quốc không kiểm soát tốt đại dịch đã dẫn đến một số vụ kiện chống chính phủ Trung Quốc được đệ trình lên Toà án Mỹ.
Thứ hai, đại dịch cũng cho thấy thái độ hung hăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Họ nhận được một tên gọi không mấy dễ chịu: ngoại giao “chiến binh sói.”
Trận chiến này diễn ra trên nền tảng truyền thông xã hội, họ sử dụng Twitter để tôn vinh các sáng kiến của Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại quê nhà, tuyên truyền về các gói hỗ trợ y tế của Trung Quốc cho những nước có nhu cầu, cả những nước giàu và những nước nghèo; và đồng thời giữ im lặng trước cáo buộc của Mỹ về cách Trung Quốc xử lý đại dịch và sự lây lan của đại dịch trên toàn cầu.
Có tới 115 tài khoản Twitter của các nhà ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc được xác định tham gia vào ngoại giao “chiến binh sói.”
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tích cực tuyên truyền về điều này.
Một vấn đề liên quan mật thiết khác là “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc. Trung Quốc đã gửi hỗ trợ vật chất (viện trợ y tế, thiết bị và vật tư) và hỗ trợ kỹ thuật-con người (bác sỹ) tới nhiều nước, đặc biệt là các nước thành viên EU.
Trung Quốc thực hiện hỗ trợ với khẩu hiệu “vượt qua các thách thức đối với sự lãnh đạo toàn cầu” và “trợ giúp cho các nước anh em và bạn bè,” song lại nhận chỉ trích sau khi chất lượng của những hỗ trợ này được đánh giá là dưới tiêu chuẩn với nhiều quốc gia đã phải trả một khoản tiền lớn để có được những vật tư trên từ các nhà máy Trung Quốc.
Thứ ba, “ngoại giao sói” đã nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực địa chính trị, đóng vai trò chất xúc tác gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề thương mại và về việc những gã khổng lồ công nghệ Huawei, ZTE đánh cắp công nghệ của Mỹ về Trung Quốc, cũng như về một số vấn đề khác đang gây tranh cãi giữa hai bên.
Vấn đề Huawei đã lan rộng tới châu Âu, chính phủ Anh gọi công ty này là một “nhà cung cấp rủi ro cao,” quyết định “biện pháp không thể thay đổi” là loại bỏ những công ty như Huawei khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng 5G của Anh.
Mặc dù các nước thành viên EU vẫn đang cân nhắc và chưa đưa ra quyết định có cấm Huawei hay không, Mỹ đã cử cố vấn an ninh quốc gia tới EU và đàm phán với các đối tác tại Pháp, Đức, Ý và Anh về những vấn đề liên quan mạng 5G.
Thứ tư, COVID-19 đã tăng cường cọ sát địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, gia tăng căng thẳng quân sự giữa hai nước. Điều này có thể hoàn toàn khiến Biển Đông trở thành một điểm nóng.
Nếu không có cơ chế quản lý khủng hoảng, rất có thể xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một chuyên gia Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Biển Đông, đảo Hải Nam cho rằng không thể “tách rời tương quan” giữa hai cường quốc này, cảnh báo nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng này thì “Biển Đông hoàn toàn có thể trở thành điểm bùng phát dẫn đến đụng độ (quân sự).”
Hơn nữa, nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột trên biển với bất kỳ bên nào tham gia tranh chấp, Mỹ sẽ coi đó là “cái cớ để can dự, và điều này có thể gây ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc.”
Tuy nhiên, “nếu các nước tham gia tranh chấp có thể kiềm chế và không chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ,” mọi nguy cơ xung đột đều có thể được kiểm soát.
Thứ năm, chiến thuật mâu thuẫn và trì hoãn của Trung Quốc trong hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã làm lòng tin giữa các nước ASEAN với Trung Quốc thông qua hợp tác kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai Con đường bị suy giảm.
Hiện tại, trong các nước Đông Nam Á đang lan rộng sự thất vọng và giận dữ đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà giờ đây là cả trên đất liền. Gần đây, các sinh viên Indonesia đã biểu tình phản đối sự xuất hiện của công nhân Trung Quốc trên đảo Sulawesi.
Hiện giờ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài, song nước này cũng không tránh việc mở ra những mặt trận xung đột mới, đe dọa hòa bình và ổn định tại châu Á.
Vụ đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại dãy Himalaya là một dấu hiệu cho thấy sự phản đối của Trung Quốc đối với hợp tác Ấn Độ-Mỹ, vốn là một trục tiềm năng để kiềm chế Trung Quốc./.