Trung Quốc thận trọng với biện pháp hạ lãi suất cơ bản

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chưa sẵn sàng giảm lãi suất cơ bản, mà có thể áp dụng một số biện pháp khác nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế vốn đang có dấu hiệu suy yếu.
Trung Quốc thận trọng với biện pháp hạ lãi suất cơ bản ảnh 1Kiểm tiền nhân dân tệ tại một ngân hàng của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) chưa sẵn sàng giảm lãi suất cơ bản, mà có thể áp dụng một số biện pháp khác nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế vốn đang có dấu hiệu suy yếu. Theo các nguồn tin liên quan các cuộc thảo luận về chính sách của ngân hàng trung ương, quyết định của ngân hàng trung ương về hạ lãi suất cơ bản còn phụ thuộc vào những chỉ số kinh tế trong vài tháng tới.

Các nguồn tin này cho rằng không có lý do đủ thuyết phục để cắt giảm lãi suất cơ bản nếu chỉ nhìn vào các khoản vay không lồ trong tháng 1 này.

Nhiều nhà phân tích kinh tế trước đó đã dự báo về khả năng Trung Quốc hạ lãi suất, song có nhiều ý kiến đồn đoán rằng ngân hàng trung ương có thể hướng tới các biện pháp khác trong bối cảnh áp lực về giảm phát đã xuất hiện và đồng Nhân dân tệ (NDT) mạnh lên, gây quan ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo thống kê kinh tế hồi tuần trước, mức lạm phát trong tháng 1 tiếp tục giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp trong khi mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là duy trì lạm phát tiêu dùng ở mức 3%.

Theo các nguồn tin về chính sách kinh tế Trung Quốc, ngân hàng trung ương dường như sẽ cắt giảm lãi suất thị trường và sau đó có thể điều chỉnh hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí đi vay của các doanh nghiệp. Trước đó, trong năm 2018, Trung Quốc đã 5 lần điều chỉnh tỷ lệ dữ trữ bắt buộc và lần gần đây nhất vào tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay cũng là biện pháp được tính tới nhằm giảm chi phí tài chính, song có thể dẫn đến nguy cơ nợ công tiếp tục phình to.

[IMF thông báo nợ trên toàn cầu ở mức 'cao chưa từng thấy']

Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương đang hướng tới hạ lãi suất thị trường tiền tệ bằng nhiều phương thức, và đưa ra một mức lãi suất phù hợp hơn trong chương trình cho vay trung hạn hồi tháng 1 năm ngoái.

Một số nguồn tin khác cho rằng việc cắt giảm lãi suất cơ bản chỉ xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ chững lại và giảm phát diễn ra, song nhiều chuyên gia kỳ vọng các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ được đưa ra dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng khiến kịch bản Bắc Kinh cắt giảm lãi suất trở nên "xa vời". Hai bên đang ráo riết đối thoại nhằm tiến tới một thỏa hiệp trước hạn chót ngày 1/3 tới, bởi thất bại trong đàm phán lần này sẽ dẫn tới việc Mỹ áp mức thuế cao hơn, lên tới 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Trong khoảng từ năm 2014 -2015, Trung Quốc đã 6 lần cắt giảm lãi suất cơ bản và đã giữ mức lãi suất 4,35% kể từ tháng 10/2015 tới nay. Một khảo sát của Reuters ước đoán mức tăng trưởng chính thức của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 6,3% trong năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 29 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục