Truyền thông Trung Quốc ngày 30/11 cho biết, chính phủ nước này đã thông qua những sửa đổi pháp luật, nhằm tăng mức đền bù cho đất nông nghiệp bị tịch thu cho các mục đích khác, vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra bất ổn xã hội tại nước này. Theo báo Hoàn cầu, luật mới sẽ tăng mức bồi thường lên gấp 10 lần, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Tờ báo không nói chính xác về đạo luật, nhưng trích dẫn quan ngại từ các chuyên gia về việc phải sửa đổi để đảm bảo quyền lợi của nông dân. “Theo các chuyên gia, những thay đổi sẽ có lợi cho nông dân trong bối cảnh tranh chấp đất đai ở vùng nông thôn Trung Quốc diễn ra thường xuyên, nhưng có thể là chưa đủ hoặc không hiệu quả,” tờ báo viết. Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua sửa đổi sơ bộ vào ngày 28/11, giải thích trong một tuyên bố là tình trạng thu hồi đất nông nghiệp đã “diễn ra quá nhanh,” một khuynh hướng làm “ảnh hưởng tới ổn định xã hội ở nông thôn.” Sửa đổi sẽ được ủy ban thường vụ quốc hội thông qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc lo ngại tình trạng bất ổn xã hội sau khi một nghiên cứu của Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết tranh chấp đất đai là nguyên nhân chính trong khoảng 180.000 vụ biểu tình năm 2010. Vụ việc đáng chú ý nhất xảy ra năm 2011 ở ngôi làng miền nam Ô Khảm, nơi nhà chức trách đã thu hồi đất không thông báo cho nông dân. Theo luật, các quan chức có thể trả tiền bồi thường tới gấp 30 lần sản lượng của khu đất nông nghiệp, nhưng thông thường mức chi trả thấp hơn và đất sau đó được bán cho những công ty bất động sản thương mại để bán lại với giá cao hơn nhiều. Giá trị đất tại Trung Quốc đã tăng 360% giai đoạn 1995-2005 trong khi mức bồi thường cho nông dân chỉ tăng 50%, theo Liao Hongle, một nhà nghiên cứu ở Bộ nông nghiệp, nói trên báo China Business News ngày 30/11. Dù luật mới có thể có lợi cho nông dân, việc thực thi cần phải minh bạch hơn, “nếu không sẽ là vô nghĩa,” Hoàn cầu dẫn lời người đứng đầu nhóm biểu tình ở Ô Khảm, Zhang Jianxing.
Người dân làng Ô Khảm đi bầu cử Hội đồng địa phương (Nguồn: AFP)
Các nông dân cần được bảo vệ quyền lợi trong những thỏa thuận bồi thường đất, tờ báo dẫn lời chuyên gia Yu Jianrong của CASS. “Nông dân phải có quyền mặc cả và nói không với việc thu hồi, đó là quyền không thể lấy đi của họ vì các quyết định hành chính,” Yu nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)