Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc tự tin có thể giải quyết tình thế khó khăn hiện nay sau khi đối tác thiết kế vi mạch của hãng này - tập đoàn ARM - đình chỉ hợp tác.
Ngày 22/5, một phát ngôn viên của Huawei nói: "Chúng tôi coi trọng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, song thừa nhận sức ép mà một vài trong số đó đang phải gánh chịu, như là hậu quả của các quyết định mang động cơ chính trị. Chúng tôi tự tin rằng tình hình đáng tiếc này có thể được giải quyết và ưu tiên của chúng tôi vẫn là tiếp tục cung cấp công nghệ và các sản phẩm tầm cỡ thế giới tới các khách hàng của chúng tôi trên khắp thế giới."
Liên quan đến vấn đề kinh tế, cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng sức ép của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc như tập đoàn công nghệ Huawei là hành động "bắt nạt" về kinh tế và nhằm ngăn cản quá trình phát triển của nước này.
Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nêu rõ: "Việc Mỹ sử dụng sức mạnh để cấm đoán các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, như Huawei, là hành động bắt nạt kinh tế điển hình."
[ARM dừng hợp tác, dự án tự sản xuất chip của Huawei nguy cơ "đổ bể"]
Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Washington, song sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận bất bình đẳng nào.
Trước đó, ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ."
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể vào một "danh sách đen" xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, Washington đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho tới giữa tháng Tám tới, động thái được cho nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Các chuyên gia đánh giá động thái trên sẽ gây khó khăn cho Huawei, vốn được xem là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn bán linh kiện quan trọng cho Huawei cũng có thể phá vỡ các hoạt động kinh doanh của các "đại gia" chip của Mỹ như Micron Technology Inc. và làm trì hoãn việc triển khai các mạng không dây 5G trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc.
Điều này có thể làm tổn hại các công ty Mỹ vốn đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc./.