"Trung Quốc sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh NAM để chia rẽ ASEAN"

Nhà nghiên cứu Singapore nhận định đã có "bàn tay vô hình" của Trung Quốc điều khiển kết quả tại Hội nghị thượng đỉnh thượng đỉnh Phong trào không liên kết lần thứ 17.
Hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Nguồn: Reuters/US Navy)

Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, vừa có bài bình luận đăng trên tờ Straits Times về mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang tồn tại những rạn nứt ngày càng lớn, ẩn dưới cái mà những người theo chủ nghĩa lạc quan cho là "sự yên ắng" ở Biển Đông.

Khi giải thích về một trong những chiến thuật gây chia rẽ giữa ASEAN nói riêng và gây rạn nứt giữa khối 10 quốc gia này với Bắc Kinh, tác giả đã viện dẫn ví dụ về những cam kết và lời nói được kéo dài kỷ lục cùng những hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Một trong số đó là Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 đã nằm trên bàn nghị sự song phương hàng chục năm nhưng không đem lại kết quả thực tế nào.

Chiến thuật trì hoãn thực hiện DOC là một mưu kế của Trung Quốc mà ASEAN rất quen thuộc. Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh đã tăng mức độ mưu mô tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 vào cuối tháng Chín vừa qua, nơi Trung Quốc giữ vai trò quan sát viên của tổ chức quốc tế gồm 120 thành viên này.

Thông thường, Chủ tịch NAM, chiểu theo những quy định của tổ chức, sẽ chấp nhận đưa những cập nhật có liên quan vào tuyên bố chung của NAM. Tuy nhiên, lần này, Venezuela, nước giữ vai trò chủ tịch NAM lần thứ 17 đã gây ngạc nhiên khi từ chối yêu cầu của ASEAN đưa những cập nhật liên quan đến Đông Nam Á vào văn kiện này.

Đến nay, Venezuela vẫn chưa đưa ra bất kỳ giải thích nào nhưng những manh mối về hành động của nước này có thể được nhìn thấy thông qua khoản viện trợ tài chính trị giá 65 tỷ USD mà Trung Quốc dành cho Venezuela trong những năm vừa qua.

Do vậy, người ta chỉ có thể cho rằng đã có "bàn tay vô hình" của Trung Quốc điều khiển kết quả tại Hội nghị thượng đỉnh NAM lần thứ 17.

Diễn biến tại Hôi nghị NAM lần thứ 17 làm người ta gợi nhớ đến sự thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh, Campuchia, nơi các nhân tố ủy nhiệm của Trung Quốc đã giúp nước này thoát khỏi những thảo luận về vấn đề Biển Đông, dẫn đến lần đầu tiên trong lich sử, ASEAN thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung.

Cũng liên quan đến mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Bắc Kinh, tác giả đã lưu ý rằng Trung Quốc gây ngạc nhiên khi cam kết sẽ hoàn thành bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017.

Tác giả kết luận, ASEAN cần phải sửa chữa các mối quan hệ đang rạn nứt với Trung Quốc. Để nỗ lực quan trọng này có thể thành công, ASEAN cần phải đoàn kết nhằm lôi kéo Trung Quốc tham gia một cách cởi mở và thẳng thắn.

Về vấn đề này, các nước lãnh đạo ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cần phải đẩy mạnh mặt trận ngoại giao với Trung Quốc, với hy vọng tìm kiếm những gương mặt thân thiện tại Bắc Kinh để hợp tác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục