Trung Quốc sử dụng chiến lược gì để tìm kiếm đối tác thương mại mới?

Giới quan sát nhận định rằng trong tương lai, chiến trường của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ không còn bó hẹp trong thị trường của mỗi nước, mà lan rộng sang châu Âu và châu Phi.
Trung Quốc sử dụng chiến lược gì để tìm kiếm đối tác thương mại mới? ảnh 1Kiểm đồng nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyên mục Quan sát Bắc Kinh của tờ Minh báo, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 11/10 đã tới Tajikistan, sau đó tới châu Âu thăm Hà Lan, Bỉ và tham dự Hội nghị cấp cao Á Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Bỉ.

Đây là chuyến thăm châu Âu lần thứ hai của Lý Khắc Cường trong năm nay, mục đích rất rõ ràng là tìm kiếm đối tác thương mại mới nhằm đối phó với chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang không ngừng leo thang hiện nay.

Nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc cho biết trong chuyến công du châu Âu lần này của Lý Khắc Cường, hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Âu sẽ là một điểm sáng lớn.

Tại Hà Lan, Lý Khắc Cường tham dự Diễn đàn kinh tế thương mại Trung Quốc-Hà Lan và có bài phát biểu quan trọng.

[Doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về dòng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ]

Đổi lại, tại Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 11 tới, Hà lan và Bỉ sẽ đều cử nhiều đại diện tham dự.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng từ lâu Hà Lan và Bỉ là hai nước luôn coi trọng thương mại đối ngoại, thậm chí còn được mệnh danh là “thương mại lập quốc” (xây dựng và phát triển đất nước dựa vào thương mại).

Vì thế, Trung Quốc mong muốn cùng với Hà Lan và Bỉ đưa ra nỗ lực chung trên phương diện chủ trương nguyên tắc thương mại tự do và mở cửa.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ không ngừng leo thang, việc Trung Quốc tăng cường triển khai hợp tác với các nước châu Âu trong lĩnh vực nông nghiệp và khoa học công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Giới quan sát Bắc Kinh thậm chí nhận định rằng trong tương lai, chiến trường của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ không còn bó hẹp trong thị trường của mỗi nước, mà lan rộng sang châu Âu và châu Phi.

Quan điểm này tuy có phần cường điệu, nhưng phản ánh một thực tế là để đối phó với cuộc chiến thương mại lâu dài, việc tìm kiếm đối tác thương mại mới có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc.

Thứ nhất, coi trọng châu Âu có lợi cho việc thiết lập mạng lưới quan hệ đối tác thương mại toàn cầu hoàn thiện hơn.

Nhìn lại Hội nghị công tác đối ngoại Trung ương của Trung Quốc tổ chức hồi tháng 6/2018 có thể thấy Trung Quốc đã có cách trình bày mới đối với mục tiêu công tác đối ngoại, tức là “tích cực tham dự và dẫn dắt cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, tạo dựng mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu hoàn thiện hơn.”

Trong năm nay, đây là lần thứ hai Lý Khắc cường thăm châu Âu, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thăm Trung Đông, châu Phi và Nga, mục đích không ngoài việc tìm kiếm các đối tác thương mại mới cho Trung Quốc, đồng thời cũng cho thấy Bắc Kinh đang tăng tốc thiết lập mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu hoàn thiện hơn.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác Á-Âu có lợi cho việc đối phó với những thách thức hiện nay.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao Á Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Bỉ lần này là “châu Âu và châu Á: đối tác toàn cầu đối phó thách thức toàn cầu.”

Bản thân chủ đề của ASEM lần này đã phản ánh ý nguyện hợp tác với châu Á mạnh mẽ của châu Âu, kêu gọi các nước Á-Âu bắt tay hợp tác, cùng đối phó với những thách thức như chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương, thực chất là đối phó với Mỹ.

Trước đó, ngày 19/9, Liên minh châu Âu (EU) công bố văn kiện chính sách mang tên “Kết nối châu Âu với châu Á - Ý tưởng đối với chiến lược của Liên minh châu Âu,” trong đó đưa ra chủ trương chính sách một cách toàn diện và hệ thống về kết nối Âu-Á, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các nước châu Á, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.

Hiển nhiên, Trung Quốc cũng hy vọng Hội nghị cấp cao Á-Âu lần này trở thành sân khấu quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược “Vành đai và Con đường.”

Chuyên gia về vấn đề châu Âu của Trung Quốc Thôi Hồng Kiến cho rằng đẩy mạnh hợp tác Á-Âu là một biện pháp quan trọng để đối phó với sự thay đổi của tình hình quốc tế.

Năm 2017, tổng GDP của châu Á là 291.600 tỷ USD, còn châu Âu là 203.000 tỷ USD, Mỹ là 193.620 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy hợp tác Á-Âu có đủ thực lực để chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, thậm chí còn có thể cải cách hệ thống quản trị toàn cầu hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục