Trung Quốc sẽ thử tên lửa chống vệ tinh lần thứ ba?

Cách đây 5 năm, Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa chống vệ tinh đầu tiên. 3 năm sau là vụ thử thứ hai. Liệu Trung Quốc có tiến hành vụ thứ ba?

Tạp chí Chính trị Thế giới (Mỹ) ngày 17/1 cho biết cách đây 5 năm, Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa chống vệ tinh đầu tiên (ASAT) ngày 11/1/2007. Sau đó ba năm, Trung Quốc tiếp tục vụ thử ASAT thứ hai. Từ đó đến nay đã ba năm, liệu Trung Quốc có tiến hành một vụ thử ASAT thứ ba?

 

Một trong những tin tức đầu tiên xuất hiện hồi tháng 10/2012 cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành vụ thử tên lửa chống các vệ tinh trên quỹ đạo để phá hủy các vệ tinh tình báo và vệ tinh dẫn đường. Sau đó, một số nguồn tin tình báo của Mỹ nhận định Bắc Kinh sẽ hoãn vụ thử cho đến khi các cuộc bầu cử của Mỹ kết thúc bởi vì họ không muốn ảnh hưởng đến cơ hội thắng cử nhiệm kỳ hai của đương kim Tổng thống Barack Obama.

 

Thực tế các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không ưa một chính quyền của đảng Cộng hòa vì quá bảo thủ về vấn đề an ninh vũ trụ và kiểm soát vũ khí so với Chính quyền Obama. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân phát biểu tại một cuộc họp báo rằng các tin tức đó không phù hợp thực tế.

Nhưng các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc như tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 6/1 đăng bài xã luận thể hiện sự lạc quan và nhấn mạnh: “Hy vọng những lời đồn đoán về vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc là sự thật”. Sau đó, tờ Thời báo Hoàn cầu lại đăng một bài xã luận tương tự, trong đó khẳng định “chính sách của Trung Quốc là sử dụng không gian hòa bình,” từ đó dư luận đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc về chương trình không gian.

 

Bài xã luận cho rằng Bắc Kinh phản đối cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Nhưng thực tế Trung Quốc dường như đã hoàn tất kế hoạch vụ thử vũ khí chống vệ tinh thứ ba và chuẩn bị các biện pháp nhằm đối phó với phản ứng của dư luận quốc tế khi tiến hành vụ thử.

Trích dẫn các nguồn tin của các chính phủ và cơ quan tình báo, một số phương tiện truyền thông quốc tế cho biết Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa chống vệ tinh mới nhất do quân đội Trung Quốc sản xuất có tên “Dong-Ning-2 (DN-2)” để tiến hành vụ thử thứ ba và dự kiến ban đầu tiến hành trong tháng 10 hoặc tháng 11/2012.

 

Tờ Thời báo Đài Bắc của Đài Loan cho rằng vụ thử đó có thể nhắm vào các vệ tinh tình báo của Mỹ hiện đang cung cấp cho Đài Loan các dấu hiệu cảnh báo sớm về các cuộc tấn công chuẩn bị xảy ra đối với Đài Loan cũng như các loại vệ tinh khác được sử dụng để tiến hành các chiến dịch quân sự trên chiến trường. Hầu hết các vệ tinh tình báo và dẫn đường bay trên quỹ đạo Trái đất hoặc quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất khoảng 35.000 km. Nếu vụ thử đó thành công, đây sẽ là một tiến bộ lớn về khả năng tiến công vệ tinh của Trung Quốc mà một số chuyên gia gọi là vũ khí “chống vũ trụ”.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông quốc tế lại nhận định Trung Quốc không thể tiến hành vụ thử thứ ba, bởi vì vụ thử chắc chắn sẽ tạo nên số lượng mảnh vỡ rất lớn trong vũ trụ, từ đó cũng sẽ đe dọa các vệ tinh của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là khi nào và liệu Trung Quốc có thực sự tiến hành vụ thử hay đó chỉ là dự đoán? Như các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước cũng như các tuyên bố khác, Trung Quốc rất chú trọng cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Rõ ràng, cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ sẽ là một vấn đề trong tương lai.

 

Nhưng có nhiều thách thức đặt ra cho lĩnh vực không gian hiện nay khi các kế hoạch của Trung Quốc không có mối lo ngại tương tự. Đáng chú ý, một số hoạt động vũ trụ của Trung Quốc đang góp phần làm xấu hơn môi trường không gian. Trung Quốc thường coi nhẹ các mảnh vỡ vũ trụ - một trong những vấn đề rất lớn hiện nay của thế giới.

Nếu Bắc Kinh tiến hành vụ thử đó, chắc chắn số lượng mảnh vỡ trong vũ trụ sẽ tăng đáng kể. Lâu nay Trung Quốc kiên quyết không thực hiện bất cứ đạo luật quốc tế nào liên quan đến mảnh vỡ trong vũ trụ và vấn đề này cũng không được Trung Quốc và Nga đề cập trong các dự thảo đề nghị trước đây gửi Liên hợp quốc.

 

Để thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các loại vũ khí bên ngoài tầng không gian. Nhưng thách thức lớn hơn hiện nay là các loại vũ khí trên mặt đất có thể vươn tới các tài sản trên vũ trụ, từ đó càng làm tăng nỗi lo ngại về tình trạng vũ trang hóa bên ngoài tầng không gian.

 

Trước tình hình đó, thế giới cần nhanh chóng đề ra những vạch đỏ nhất định ngoài vũ trụ để ngăn chặn khả năng và hành động thiếu trách nhiệm. Trong tương lai, thế giới phải nỗ lực đề ra một đạo luật hành xử trên vũ trụ hoặc một cơ chế bắt buộc. Đạo luật đó sẽ dần dần thiết lập các biện pháp ngăn chặn bên ngoài tầng không gian.

 

Nhưng trước hết thế giới cần yêu cầu các nước có tài sản trên vũ trụ tiến hành đối thoại ở cấp độ song phương, khu vực, toàn cầu và theo đuổi các sáng kiến khả thi để ngăn chặn các thách thức đặt ra cho khu vực ngoài tầng không gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục