Các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo những tổn thất về kinh tế do tình trạng hạn hán gây ra với quốc gia này có thể sẽ tăng gấp đôi nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 1,5 tới 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences số ra ngày 1/10, các nhà khoa học đã xác định tần suất, khu vực chịu tác động và thời gian xảy ra các đợt hạn hán tại Trung Quốc, để tính toán tổn thất kinh tế tùy theo các mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bề mặt Trái Đất tăng 1,5 độ C thì tổn thất kinh tế ước tính cao gấp 10 lần so với những thiệt hại do tình trạng hạn hán trong giai đoạn 1986-2005, và cao gấp 3 lần giai đoạn 2006-2015. Nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng thêm 2 độ C, thì những thiệt hại kinh tế có thể cao gấp 2 lần so với tổn thất trong điều kiện nhiệt độ chỉ tăng thêm 1,5 độ C.
[Dòng vốn ở lại Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại leo thang]
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nếu có thể giữ mức nhiệt tăng trong khoảng ít hơn hoặc tối đa 1,5 độ C thì nền kinh tế có thể tránh được khoản thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD do tình trạng hạn hán. Vì vậy, nhóm tác giả của nghiên cứu đã kêu gọi các nước nỗ lực hơn nữa để kiềm chế tăng nhiệt bề mặt Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Trong giai đoạn 1949-2017, mỗi năm hạn hán đã ảnh hưởng tới 2.09 triệu km2 đất canh tác tại Trung Quốc, tương đương với 1/6 tổng diện tích đất nông nghiệp của nước này.
Tỷ lệ tổn thất do hạn hán gây ra trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm từ 0,23% trong năm 1986 xuống còn 0,16% trong thời gian từ năm 2006 đến 2015 do GDP của quốc gia này tăng nhanh. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo sẽ đảo ngược trong tương lai, với tỷ lệ tổn thất tăng dần theo kịch bản Trái đất tiếp tục nóng lên, dù đã tính đến việc khả năng thích ứng của Trung Quốc cũng được cải thiện./.