Trung Quốc đang ngày càng khát nhiên liệu

Trung Quốc sẽ thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất

Trung Quốc dự kiến vượt châu Âu trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035.
Xếp hàng chờ mua xăng trước giờ giá tăng tại Bắc Kin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng 2035 mới được hãng dầu mỏ BP (Vương quốc Anh) công bố tuần qua, Trung Quốc dự kiến vượt châu Âu trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035.

Báo cáo này dự đoán tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 41% trong giai đoạn 2012-2035, thấp hơn so với mức tăng 55% trong giai đoạn 1989-2012.

Trong mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, 95% dự kiến đến từ các nền kinh tế mới nổi, trong khi tiêu thụ năng lượng ở các nước phát triển sẽ chậm lại.

Sản xuất năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng 61% vào năm 2035 trong khi tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tăng 71%.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng từ 22% lên 27% vào năm 2035, và nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này dự kiến tăng từ 15% lên 20%.

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ hình thành với tỷ trọng của than giảm từ 69% xuống 52%, trong khi khí đốt tăng gấp đôi lên 12% còn dầu vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 18%.

Dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2027 và "qua mặt" Nga trở thành nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) vào năm 2025.

Trước mức tăng trưởng nhanh về tiêu thụ năng lượng, báo cáo trên vẫn giữ nguyên dự đoán tiêu thụ năng lượng của ngành vận tải sẽ tăng 120%, mức cao nhất trong tất cả lĩnh vực.

Dầu mỏ vẫn là loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới song tỷ trọng trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng đã giảm từ 90% xuống 82% vào năm 2038 trong khi tỷ trọng của khí đốt tăng từ 5% lên 12%.

Trong khi đó, tỷ trọng của khí đá phiến khai thác của Trung Quốc và Bắc Mỹ tăng lên 81% vào năm 2035

Giám đốc điều hành BP Bob Dudley tỏ ý tin tưởng sản xuất năng lượng sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ các xu hướng của công nghệ, đầu tư và chính sách trên thế giới.

Ông Dudley cho hay các loại năng lượng mới như khí đá phiến, năng lượng tái sinh sẽ chiếm một phần đáng kể trong tăng trưởng nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết sản lượng dầu khí toàn cầu của công ty trong năm 2013 đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012 lên 306,65 triệu tấn quy dầu. CNPC là công ty mẹ của PetroChina và là công ty sản xuất dầu khí lớn nhất Trung Quốc.

Chủ tịch CNPC Zhou Jiping cho hay hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi là nhân tố quan trọng giúp nâng cao sản lượng dầu khí của hãng, đạt tổng cộng 123 triệu tấn năm 2013, tăng 18,1% so với năm 2012.

Doanh thu của các trung tâm dầu khí của CNPC tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong năm 2013 đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012 lên 266 tỷ USD.

Còn theo Tổng Giám đốc CNPC Liao Yongyuan, CNPC sản xuất 329,67 triệu tấn dầu mỏ và khí đốt năm 2014. Trong khi tổng vốn đầu tư năm 2014 của CNPC sẽ giảm 11% nhưng đầu tư vào các hoạt động lọc dầu vẫn tăng ổn định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục