Trung Quốc sẽ làm tan băng trên bán đảo Triều Tiên?

Trong khi Triều Tiên phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đầu tiên trên thế giới duy trì trao đổi.
Trung Quốc sẽ làm tan băng trên bán đảo Triều Tiên? ảnh 1 Cuộc diễn tập pháo binh của quân đội Triều Tiên tại một điểm bí mật, ngày 28/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ nhật báo Korea Times số ra ngày 18/5 có bài viết nhận định rằng trong lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc lại cho thấy có thể đóng vai trò trong việc hàn gắn mối quan hệ ngày càng "bị sứt mẻ" giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Kịch bản này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump "tạm gác" vấn đề Triều Tiên để tập trung cho việc tái đắc cử nhiệm kỳ hai, buộc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải tìm cách "xích lại gần hơn" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đáp ứng được những kỳ vọng đó hay không khi nước này đang trong cuộc chiến tranh thương mại “một mất một còn” với Mỹ.

[Mỹ tái khẳng định duy trì cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên]

Tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khẳng định chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc sẽ được tiến hành ngày trong năm nay.

Chính quyền Moon Jae-in cũng nỗ lực thúc đẩy chuyến thăm này với kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, ngoài những tính toán về kinh tế, Seoul còn muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc (vốn được xem là bên duy nhất có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Triều Tiên cả về kinh tế và chính trị) đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo thông cáo báo chí của Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc), hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc đã thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên, trong đó ông Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến hòa bình của ông Moon Jae-in.

Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Triều Tiên (ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc) nói rằng "Trong khi Triều Tiên phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19)" thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đầu tiên trên thế giới duy trì trao đổi thương mại với chính quyền Bình Nhưỡng.

Theo cách này, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và chúng ta (Hàn Quốc) cần tranh thủ sự ủng hộ đó."

Trong một động thái tương tự, lãnh đạo Triều Tiên đã chủ động "đánh tiếng" với Trung Quốc trước cả ông Moon Jae-in.

Đúng một tuần sau khi tái xuất trước công chúng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5, ông Kim Jong-un đã gửi thư cho ông Tập Cận Bình ca ngợi những thành quả to lớn mà Trung Quốc bước đầu đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ông Kim Jong-un cũng không quên bày tỏ hy vọng rằng mối quan hệ hữu nghị Triều-Trung sẽ ngày càng bền chặt và tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới. Trong bức thư trả lời vào ngày 9/5, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Tôi sẵn sàng thúc đẩy hợp tác sâu rộng và trao đổi thông tin mang tính chiến lược giữa hai nước."

Trước đó, vào tháng 2/2020, ông Kim Jong-un cũng đã viết thư cho ông Tập Cận Bình để chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông về tình hình dịch bệnh và sau đó đã trở thành một biểu tượng sinh động cho nền tảng và sức sống mạnh mẽ của tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Rất nhiều người tin rằng ông Kim Jong-un đang nỗ lực phục hồi trao đổi thương mại song phương vốn bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Nói cách khác, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng liên quan đến nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), Triều Tiên đã đứng về phía "đồng minh truyền thống" để khẳng định mối quan hệ thân thiết có thể đảm bảo mọi hình thức hợp tác và trao đổi giữa hai bên.

Từ quan điểm cho rằng Triều Tiên đang "bỏ ngoài tai" những đề xuất hợp tác chung liên Triều hướng tới cải thiện quan hệ song phương của chính quyền Moon Jae-in, giờ đây xuất hiện thêm những đồn đoán rằng Hàn Quốc có thể tranh thủ mối quan hệ đang nồng ấm giữa Trung Quốc và Triều Tiên với kỳ vọng ông Tập Cận Bình có thể giúp phá bỏ “lớp băng” đang bao phủ các đề xuất hợp tác của Seoul.

Về phần mình, Trung Quốc luôn kiên định quan điểm có thể đóng vai trò chủ chốt trong mọi vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập Cận Bình có hành động theo mong muốn của ông Moon Jae-in hay không?

Khi chính phủ Trung Quốc thông báo về nội dung cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước, nội dung chỉ tập trung vào vấn đề giải pháp và sự phối hợp giữa hai bên trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 mà hoàn toàn không đề cập đến việc ông Tập Cận Bình ủng hộ sáng kiến hòa bình của ông Moon Jae-in.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng được cho là có ít cơ hội để thảo luận về các vấn đề liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên do đang phải tập trung đối phó với Mỹ trong việc xác định trách nhiệm làm bùng phát dịch bệnh.

Giáo sư Chính trị Quốc tế Park Won-gon của Đại học Toàn cầu Quốc tế Handong cho rằng "trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Trung Quốc chỉ có thể gây tác động ảnh hưởng chứ khó có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục