Trung Quốc sẽ là động lực của kinh tế thế giới trong năm 2023

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2023 lên 5,4% so với mức dự báo trước đó là 5%.
Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Dù đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022, Trung Quốc nhìn chung đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế bằng cách phối hợp chính sách kiểm soát COVID-19 với phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, chính phủ nước này cũng đưa ra những gói kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định giá tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 15-16/12, các đại biểu tin tưởng rằng hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ chứng kiến sự phục hồi và cải thiện tổng thể.

Triển vọng khởi sắc

Với mục tiêu xây dựng các chính sách tài khóa và tiền tệ, công nghiệp, khoa học và công nghệ và xã hội cho năm 2023, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đặt ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế, đặt ra yêu cầu vừa theo đuổi tiến bộ vững chắc vừa đảm bảo ổn định kinh tế cho năm tới.

Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước và phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò chủ chốt của đầu tư vào năm 2023.

Xem xét thực tế rằng Trung Quốc có sẵn nhiều đòn bẩy chính sách để đảm bảo sự phục hồi bền vững, các nhà quan sát dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ có kết quả khả quan vào năm 2023.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết Trung Quốc có không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và chống lại áp lực suy giảm.

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale cũng nhận định Trung Quốc sẽ có ba đến bốn quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý 2 hoặc quý 3/2023.

Họ đồng thời dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm sau lên 5,4% so với mức dự báo trước đó là 5%.

Báo cáo của Morgan Stanley cho hay ngân hàng này từng dự báo hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi từ cuối quý 2/2023.

Giờ đây, Morgan Stanley đã sửa đổi dự báo với nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện từ đầu tháng Ba năm sau.

[IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn vào năm 2023]

Báo cáo đồng thời cho biết thêm ngân hàng này kỳ vọng sẽ nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động đi lại sẽ được phản ánh trong nền kinh tế bắt đầu từ quý 2.

Sự lạc quan của các nhà phân tích được xây dựng trên nhiều dấu hiệu và chỉ số tích cực.

Một nghiên cứu ngắn của các chiến lược gia Christopher Swann và Vincent Heaney thuộc ngân hàng UBS cho hay, cổ phiếu Trung Quốc đã tăng 37% kể từ đầu tháng 11 sau những tín hiệu nền kinh tế này sẽ mở cửa trở lại.

Cùng với đó, hàng loạt công ty đa quốc gia đang mở rộng hoạt động và đầu tư vào Trung Quốc. Trong 10 tháng của năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục trên thực tế đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 168,34 tỷ USD.

Trong số các nhà đầu tư “nặng ký” có nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen. Hãng đã công bố khoản đầu tư lên tới 3 tỷ USD vào hai liên doanh mới tập trung vào nghiên cứu-phát triển sản phẩm ở Trung Quốc chỉ trong nửa cuối năm 2022.

Số liệu chính thức cũng cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022, thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên 5.500 tỷ USD và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Linh hoạt chiến lược chống COVID-19

Nhờ việc củng cố các hệ thống y tế, cũng như các biến thể mới có độc lực thấp hơn và 90% dân số được tiêm chủng, Trung Quốc gần đây đã công bố các biện pháp mới để vừa kiểm soát dịch bệnh vừa ngăn chặn những cú sốc của COVID-19 đối với xã hội và nền kinh tế.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, Trung Quốc đã thành công giảm thiểu thiệt hại kinh tế và bảo vệ sinh kế của người dân. Nước này đạt mức tăng trưởng GDP lần lượt là 2,3% và 8,1% vào năm 2020 và 2021.

Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 9/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Thong Mengdavid, một nhà nghiên cứu tại Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở tại Phnom Penh, cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là kết quả của việc các ngành công nghiệp nhanh chóng nối lại hoạt động nhờ các gói chính sách hỗ trợ kinh tế và chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Tương tự, ông Liang Guoyong, một nhà kinh tế cấp cao của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết hướng tới năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, với động lực tăng trưởng được củng cố đáng kể.

Điều này sẽ cung cấp một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và góp phần vào sự ổn định chung cho toàn cầu.

Những “cơn gió ngược”

Dù các yếu tố nhìn chung là tích cực, vẫn còn nhiều "cơn gió ngược" đang chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc. Một trong những rủi ro mà ngân hàng Morgan Stanley nhắc tới là khả năng chính phủ nước này sẽ rút lại các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Báo cáo của Morgan Stanley cho biết việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19. Số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng và sự căng thẳng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, Morgan Stanley dự đoán tác động của sự gia tăng số ca nhiễm bệnh này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Một yếu tố không chắc chắn khác đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc là tình hình địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng giữa nước này và Mỹ.

Mặc dù việc tách biệt hoàn toàn về kinh tế là điều không thực tế, nhưng Mỹ hiện đang theo đuổi các chính sách công nghiệp và hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc - điều có thể lan sang các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ sinh học rồi từ đó ảnh hưởng tới nền kinh tế rộng lớn hơn.

Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao chỉ ra rằng những bất ổn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt vào năm tới sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức trong nước của Trung Quốc.

Theo ông Zhu Guangyao, nước Anh đang cận kề một cuộc suy thoái và nếu Quốc hội Mỹ không nâng hạn mức nợ kịp thời, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sụp đổ rồi gây ra một “cơn bão” tài chính toàn cầu.

Các thị trường phát triển là điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc và sự biến động tài chính ở những nước này thường lan ra khắp các thị trường toàn cầu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự gián đoạn lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi nhu cầu bên ngoài suy giảm buộc các công ty Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy và khoảng 20 triệu công nhân nhập cư phải trở về nguyên quán của họ.

Ngoài ra, ông dự đoán xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước phát triển sẽ không dừng lại cho đến giữa năm 2023, nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế.

Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu hiện rõ, Trung Quốc nên cảnh giác với sự hỗn loạn trên thị trường quốc tế và khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác, đồng thời đưa ra thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đối phó những “cơn gió ngược” này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục