Trung Quốc sẽ đối mặt với làn sóng vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử?

Con số thống kê của Bloomberg cho thấy tính tới ngày 18/10, số doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm khế ước vay nợ lên tới con số 120 với tổng số nợ không thể trả đúng hạn là 102,9 tỷ nhân dân tệ.
Đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2020 được coi là cao điểm trả nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc. Dường như, Bắc Kinh bắt đầu lo lắng về số lượng các doanh nghiệp phá sản và đã có động thái chuẩn bị cho việc giải quyết hậu quả.

Vay nợ theo kiểu đem một tài sản đi thế chấp nhiều nơi để có vốn phát triển đã khá phổ biến trong giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong nhiều năm. Mọi chuyện có thể sẽ thuận lợi nếu không xuất hiện cơn gió ngược.

Trong trường hợp tăng trưởng tiếp tục suy giảm hoặc vẫn chưa ổn định, không loại trừ khả năng năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với hiệu ứng “thiên nga đen” lớn chưa từng có. Bởi việc Trung Quốc mở van tín dụng từ năm 2014-2016 khiến nợ ở nước này tăng quá cao, cho nên, từ năm 2018-2020 sẽ là thời kỳ cao điểm trả nợ tại Trung Quốc.

Con số thống kê được hãng tin Bloomberg đăng tải cho thấy tính tới ngày 18/10, số doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm khế ước vay nợ lên tới con số 120 với tổng số nợ không thể trả đúng hạn là 102,9 tỷ nhân dân tệ.

[Chiến tranh tiền tệ - lựa chọn đầy mạo hiểm của Trung Quốc]

Đây là lần thứ hai trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, số nợ vi phạm khế ước vay mượn vượt trên 100 tỷ nhân dân tệ.

Hãng kiểm toán Ernst & Young ước tính trong năm 2019, tổng số nợ vi phạm khế ước vay mượn ở Trung Quốc sẽ vượt mức năm ngoái, đạt khoảng 122 tỷ nhân dân tệ, mức cao nhất trong lịch sử quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Những cái tên có thể kể đến bao gồm một số doanh nghiệp nổi tiếng như Tập đoàn Tây Vương Sơn Tây (một doanh nghiệp trọng yếu trong lĩnh vực chế tạo gang thép ở Trung Quốc) cuối tháng 10/2019 đã không thể trả được khoản nợ trị giá 1 tỷ nhân dân tệ.

Theo Standard & Poor, cũng vì vay nợ theo kiểu đem một tài sản đi thế chấp nhiều nơi, cho nên, tại tỉnh Sơn Đông, chỉ cần một doanh nghiệp lớn xuất hiện khó khăn về thanh khoản là cả hệ thống tín dụng bị đổ vỡ, rất dễ gây ra hiệu ứng đô mi nô đổ vỡ liên hoàn.

Doanh nghiệp tư nhân đã vậy, nhưng giờ đây ngay cả một số doanh nghiệp nhà nước tên tuổi trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở Trung Quốc cũng rơi vào khủng hoảng nợ như tập đoàn Tsinghua Unigroup do Đại học Thanh Hoa nắm quyền kiểm soát, tập đoàn Founder Group do Đại học Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.

Theo tờ Economic Journal ngày 7/11, phần nhìn thấy của tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc chỉ là một góc của tảng băng chìm. Năm nay, điều khác thường là tình trạng vi phạm khế ước vay nợ đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Chiết Giang, nơi kinh tế tư nhân rất phát triển.

Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, Chiết Giang đang đứng đầu toàn quốc với tổng giá trị nợ không thể trả đúng hạn trong 3 quý đầu năm 2019 lên tới gần 80 tỷ nhân dân tệ, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thống kê chính thức không sát thực, thấp hơn nhiều do với quy mô thực tế bởi vì có rất nhiều vụ vi phạm khế ước vay nợ đang được thỏa thuận ngầm với nhau và chính quyền không thể nắm được.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự bùng phát tình trạng vi phạm khế ước vay nợ của doanh nghiệp Trung Quốc là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm liên tục, chưa thấy điểm dừng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó khăn, không thể có đủ tiền trả nợ. Bên cạnh đó là việc Trung Quốc nhất loạt tiến hành loại bỏ đòn bẩy tài chính vào năm ngoái khiến doanh nghiệp không có cửa vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, dù Trung Quốc nhiều lần bơm tiền vào hệ thống, nhưng rốt cuộc tiền vẫn không thể chảy tới các thực thể kinh tế. Ngoài ra, bắt đầu từ cuối năm 2018, phong vũ biểu chính trị ở Trung Quốc có sự thay đổi, khiến doanh nghiệp tư nhân lo lắng về tương lai và rơi vào trình trạng càng làm thì càng lỗ lớn, nhất là sau khi xuất hiện quan điểm cho rằng doanh nghiệp tư nhân đã "hoàn thành nhiệm vụ lịch sử" và việc nhà nước tăng cường thâu tóm quyền kiểm soát doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nói tóm lại, doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề trong việc trả nợ. Nhà kinh tế học Wei Jie cảnh báo trong năm 2020, nếu nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp Trung Quốc không đảm bảo bình thường, nhiều vụ vỡ nợ doanh nghiệp sẽ xảy ra, phát triển tới một mức độ nhất định sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chính.

Chính phủ Trung Quốc cũng cảnh giác với nguy cơ này. Ngày 21/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã yêu cầu năm nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng trả nợ.

Theo tờ Wall Street Journal ngày 6/11, trong một động thái hết sức bất ngờ, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định để doanh nghiệp phá sản. Như vậy, sau nhiều năm bơm tiền hỗ trợ tài chính để duy trì tăng trưởng kinh tế, làm công nhân hạnh phúc, Trung Quốc đã bắt tay vào việc tính toán nợ và "xây dựng" một hệ thống phá sản. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về số lượng doanh nghiệp đối mặt với tình trạng phá sản tăng lên, nỗ lực tìm cách khắc phục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục