Trung Quốc sau đại dịch: Sản xuất phục hồi nhưng với tốc độ chậm

Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 5 đạt mức 50,6, thấp hơn so với mức 50,8 của tháng 4, song vẫn trên mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tình Hồ Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX)
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tình Hồ Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX)

Tháng Năm ghi nhận đà phục hồi sản xuất tại Trung Quốc nối dài sang tháng thứ ba liên tiếp với nhiều công ty mở cửa hoạt động trở lại sau khi các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/5, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng 5/2020 đạt mức 50,6.

Mặc dù con số này thấp hơn so với mức 50,8 của tháng Tư, song vẫn trên mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.

[Trung Quốc bỏ qua mục tiêu GDP, cam kết chi tiêu cao hơn]

Tốc độ mở rộng hoạt động sản xuất còn chậm do nhu cầu ảm đạm. Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm, đứng ở mức 35,3 trong tháng Năm, thấp hơn nhiều so với mốc 50.

Tuy nhiên, chỉ số đơn hàng mới tăng từ 50,2 trong tháng Tư lên 50,9 trong tháng Năm, cho thấy triển vọng cải thiện nhu cầu trong nước.

Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã khiến kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ mất vài tháng để khôi phục hoạt động chế tạo trở lại mức trước khủng hoảng, ngay cả khi nước này có thể tránh để xảy ra một làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhiều nhà sản xuất đang gặp nhiều khó khăn do các đơn đặt hàng ở nước ngoài bị giảm mạnh hoặc bị hủy trong bối cảnh biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái.

Nhu cầu trong nước vẫn còn yếu do tình trạng mất việc làm gia tăng và tâm lý người tiêu dùng lo lắng về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Trước triển vọng không chắc chắn của năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020.

Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp tài chính bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế, với giá trị tương đương khoảng 4,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, theo tính toán của Reuters. Đây sẽ là gói kích thích lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Trung Quốc sau đại dịch: Sản xuất phục hồi nhưng với tốc độ chậm ảnh 1Nhân viên tại một doanh nghiệp về thương mại điện tử tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Học viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc (CAICT) cho biết kinh tế nền tảng, hay còn gọi thị trường trực tuyến của nước này tính đến đầu tháng Tư đã đạt giá trị hơn 2.390 tỷ USD, dù chịu tác động ảnh hưởng xấu từ đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của CAICT thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, kinh tế nền tảng ghi nhận đà tăng trưởng cao tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tính đến cuối năm 2019, các công ty thị trường kỹ thuật số có giá trị thị trường hơn 1 tỷ USD tại Trung Quốc, đã tăng lên con số 193.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của thị trường trực tuyến đã tăng gần 200% lên 2.350 tỷ USD trong vòng 5 năm (tính đến năm 2019).

Mặc dù các lĩnh vực đi lại, du lịch và đào tạo ngoại tuyến bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các ngành kinh tế trực tuyến bao gồm thương mại điện tử, truyền hình trực tuyến (livestreaming), hội nghị trực tuyến, giáo dục trực tuyến và chăm sóc y tế trực tuyến đã tăng trưởng mạnh.

Các doanh nghiệp thị trường kỹ thuật số cũng đóng góp rất lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19, ổn định tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục