Theo mạng tin nationalinterest.org, ngày 21/7/1969, hai người Mỹ là Neil Armstrong và Edwin “Buzz” Aldrin đã trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Họ là những người đầu tiên trong một nhóm những người Mỹ được tuyển chọn kỹ càng để làm điều đó.
Đến gần đây, vào tháng Năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến Mỹ tiếp tục đưa người của mình lên không gian với việc tàu vũ trụ của SpaceX bay đến Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Hiện nay, chỉ trong vòng 10 ngày nữa, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa robot tự hành Perseverance lên Sao Hỏa.
Ngày kỷ niệm lịch sử tàu Apollo 11 lên Mặt Trăng và các hoạt động gần đây của NASA gợi nhắc chúng ta nhớ tới cả hai điều - lịch sử thống trị không gian vũ trụ của Mỹ và những tiến bộ hiện nay của Washington trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Dưới sự lãnh đạo vững vàng của Giám đốc NASA, Jim Bridenstine, Chương trình Phi hành đoàn Thương mại (CCP) của NASA đã gặt hái được thành quả với việc đưa thành công 2 phi hành gia của NASA lên trạm không gian ISS - qua đó thể hiện rằng Mỹ đã có thể tiếp tục tự đưa người của mình vào không gian mà không cần phải phụ thuộc vào dịch vụ của những quốc gia khác, đặc biệt là những nước như Nga, vốn là các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Hơn nữa, sự trở lại lần này của Mỹ xảy ra khi Mỹ đang tích cực khuyến khích thị trường tự do trong lĩnh vực không gian vũ trụ. NASA đang dần rút khỏi việc đưa phi hành gia và các vật liệu lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
NASA sẽ không chỉ có thể mua các dịch vụ này với giá thị trường cạnh tranh từ các công ty của Mỹ, thúc đẩy sự phát triển của một ngành mới trong nền kinh tế Mỹ, mà NASA hiện còn có thể tập trung vào ưu tiên quốc gia lớn hơn của mình, đó là mở rộng khả năng tiếp cận không gian vũ trụ sâu hơn - Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa.
Điều này cho thấy bước nhảy vọt tiếp theo của NASA - tàu Apollo đưa người Mỹ lên Mặt Trăng, và tàu con thoi này đã củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc xây dựng ISS - tuy nhiên NASA vẫn bị "mắc kẹt" trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Bằng việc chuyển hoạt động vận chuyển người và hàng hóa từ Trái Đất lên quỹ đạo cho các công ty thương mại của Mỹ, Mỹ hiện có thể đưa người của mình lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa. Bước chuyển đổi lớn này trong hoạt động của NASA nhận được rất nhiều lời khen ngợi của truyền thông, và cũng đúng lúc này, chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn.
Trung Quốc thường xuyên đưa ra các thông báo - kế hoạch về các tàu đổ bộ lên Mặt Trăng của Trung Quốc, phi hành đoàn của Trung Quốc lên Mặt Trăng, các thiết bị mới để phóng vệ tinh vào không gian của Trung Quốc, kế hoạch xây dựng một trạm vụ trụ, và Trung Quốc sắp đưa tàu thăm dò lên Sao Hỏa.
[Trung Quốc tuyên bố phóng thành công tàu vũ trụ khám phá sao Hỏa]
Tất cả những tin tức này nghe rất ấn tượng - nhưng hãy nhớ rằng, từ những gì NASA đã học được, việc công bố các kế hoạch luôn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc hoàn thành các kế hoạch đó. Khi cân nhắc những kế hoạch tham vọng nhất của Trung Quốc, hãy lưu ý rằng NASA đã thực hiện được tất cả các kế hoạch đó - đa số là từ nhiều thập kỷ trước.
Trung Quốc lên Mặt Trăng? Hãy nhìn lại 40 năm trước - NASA đã 6 lần đưa người Mỹ lên Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ năm 1969-1972; và sẽ đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng vào năm 2024, với sự hiện diện liên tục của người Mỹ trên Mặt Trăng thông qua chương trình Artemis vào năm 2028.
Tổng cộng có hơn 50 sứ mệnh lên Mặt Trăng đã thất bại, bao gồm cả nỗ lực gần đây của một công ty của Israel. Mặc dù nói về Mặt Trăng là điều dễ dàng, song lên được Mặt Trăng lại là điều rất khó.
Trung Quốc lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ vào không gian? Bỏ qua lịch sử dài của mình sang một bên, Mỹ đã cách mạng hóa việc phóng tàu lên vũ trụ trong những năm gần đây thông qua các chương trình của chính phủ và các công ty thương mại trong lĩnh vực không gian, với SpaceX (và những công ty khác) đang giành lại thị trường phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và xây dựng tên lửa đẩy nặng nhất trên thế giới hiện nay - Falcon Heavy và NASA đang xây dựng Hệ thống Phóng Không gian (SLS) - hệ thống phóng không gian có khối lượng tải trọng lớn nhất trên thế giới.
Một trạm không gian của Trung Quốc? Hơn 20 năm qua, NASA đã phát triển trạm không gian Freedom của Mỹ thành một ISS trị giá 100 tỷ USD của một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu cùng với Nga, Nhật Bản, Canada và 11 thành viên của Cơ quan Không gian Vũ trụ châu Âu.
Mỹ gánh vác một nửa tổng chi phí xây dựng trạm không gian này. Trạm không gian này liên tục có người thường trực trong gần 20 năm qua - với 151 người Mỹ (nhiều gấp 3 lần so với các quốc gia tiếp theo là Nga, hiện có khoảng 50 người).
Trung Quốc thực hiện một sứ mệnh lên Sao Hỏa? NASA đã 8 lần thành công đưa tàu đổ bộ/robot tự hành lên Sao Hỏa (Viking I/II, Pathfinder, Spirit/Opportunity, Phoenix, Curiosity và InSight) và phóng thành công ít nhất 6 tàu vũ trụ bay trong quỹ đạo của Sao Hỏa.
Chỉ có hai quốc gia - Mỹ và Liên Xô cũ - đã hạ cánh thành công một tàu vũ trụ trên Sao Hỏa (và tàu Mars 3 của Liên Xô đã bị hỏng chỉ 20 giây sau khi hạ cánh) và chỉ có 4 quốc gia thành công trong việc đưa tàu vũ trụ vào vệ tinh: Mỹ, Liên Xô cũ, Cơ quan Không gian Vũ trụ châu Âu và Ấn Độ.
Hơn 28 sứ mệnh lên Sao Hỏa đã thất bại - và Trung Quốc sẽ thử lại một lần nữa trong năm nay, sau thử nghiệm gần đây nhất vào năm 2011. Kể từ đó, với 3 robot tự hành (Spirit, Opportunity và Curiosity) và một robot tự hành khác dự định sẽ được phóng trong tháng bảy này (Perseverance), Sao Hỏa hiện đang là địa hạt của Mỹ. Việc lên được Sao Hỏa cũng rất khó.
NASA điều hành chương trình thăm dò không gian vũ trụ toàn diện nhất của Hệ Mặt Trời, với nhiều sứ mệnh hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Khảo sát nhanh về Hệ Mặt Trời, tàu vũ trụ Mariner 10 và MESSENGER của NASA là những tàu duy nhất từng thăm dò Sao Thủy, nhưng tàu BepiColumbo của Cơ quan Không gian Vũ trụ châu Âu cũng đang trên đường thực hiện nhiệm vụ này.
Mỹ và Liên Xô đều từng thực hiện các sứ mệnh khám phá Sao Kim vào thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ XX, sau đó là Cơ quan Không gian Vũ trụ châu Âu và Nhật Bản vào những năm 2000.
Sao Hỏa gần như là địa hạt của Mỹ không chỉ vì Mỹ có nhiều rôbốt tự hành ở đây mà còn bởi Mỹ có nhiều tàu vũ trụ đang hoạt động trong quỹ đạo của Sao Hỏa, bao gồm tàu Odyssey, Mars Express, Mars Reconnaissance Orbiter, Mars Orbiter Mission, MAVEN, và Trace Gas Orbiter.
Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ phóng tàu thăm dò lên Sao Hỏa trong năm nay. Chỉ có 10 sứ mệnh lên Sao Mộc và Sao Thổ và đều là của Mỹ, mặc dù một vài trong số đó cần có sự tham gia của Cơ quan Không gian Vũ trụ châu Âu, và Mỹ là quốc gia duy nhất thực hiện các sứ mệnh thăm dò Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương (tàu Voyager 2) và Sao Diêm Vương (tàu New Horizons).
Trong bối cảnh Trung Quốc đạt được một số bước tiến trong lĩnh vực không gian vũ trụ, ưu thế vượt trội của NASA trong lĩnh vực này là điều mà mọi quốc gia trên hành tinh này đều thèm muốn.
Ngoài lịch sử ấn tượng, NASA hiện đang thực hiện hơn 85 sứ mệnh khám phá Hệ Mặt Trời, Chương trình Phi hành đoàn Thương mại hiện cũng đang gặt hái được thành quả, giúp Mỹ có thể tiếp tục tự đưa người lên Mặt Trăng, và phát triển các robot tự hành đưa lên thăm dò Sao Hỏa.
Ngoài ra, NASA cũng đang đóng góp vào nền kinh tế và giáo dục của Mỹ, cả hai lĩnh vực này sẽ tạo ra nguồn đầu tư liên tục vào NASA và giúp NASA duy trì thế thượng phong trước Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh chiến lược khác.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, người Mỹ cần nhớ rằng nước Mỹ luôn thống trị không gian vũ trụ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bối cảnh hiện này rất quan trọng để người Mỹ nhớ về điều đó, đặc biệt là khi liên quan tới Trung Quốc, việc lên kế hoạch thực hiện một sứ mệnh luôn dễ dàng hơn nhiều so với việc đạt được mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh đó./.