Trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Chủ tịch Hạ viện Gloria Macapagal Arroyo và Chủ tịch Thượng viện nước chủ nhà Vicente Sotto III ngày 21/11 tại thủ đô Manila, trong đó hai bên nhất trí tăng cường các cuộc trao đổi giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình kêu gọi các cơ quan lập pháp của Trung Quốc và Philippines tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước, cũng như thúc đẩy sự hợp tác đa dạng và đa ngành nhằm phát triển quan hệ song phương.
Cho rằng các cuộc trao đổi mật thiết giữa hai cơ quan lập pháp là một phần quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng cơ quan lập pháp của Philippines sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Philippines bày tỏ sẵn sàng tăng cường trao đổi với cơ quan lập pháp Trung Quốc và làm sâu sắc quan hệ hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của người dân hai nước.
[Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc-Philippines thúc đẩy hợp tác trên biển]
Hai quan chức này cho rằng quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất với sự hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ông Arroyo và ông Sotto hoan nghênh việc Philippines và Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương.
Trước đó ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, trong đó hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Philippines. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines trong vòng 13 năm qua.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được xem là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương, vốn được khôi phục sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền hồi năm 2016.
Quan hệ hai nước từng rơi xuống mức thấp nhất sau khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2013 liên quan đến yêu sách phi lý của Bắc Kinh về "đường 9 đoạn" tại Biển Đông.
Ngày 7/12/2016, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.